Hôn Nhân lý tưởng trong Chúa
Kính thưa quý thính giả!
Tôi thì chưa lâp gia đình, chưa có người yêu, nhưng tôi tin người vợ trong tương lai là môt người vợ tuyệt với mà Chúa sẽ mang đến bên đời tôi. Tôi ước ao có một người vợ để sống bên tôi, chia sẻ buồn vui và chăm lo mỗi ngày cũng hầu việc Chúa xây dựng HT CHúa. Mặc dù chưa gặp cô ấy nhưng tôi biết cô ấy sẽ như nào vì Chúa đã hứa cho mỗi một người mà Ngài dựng nên.
Quý vị và các bạn có còn nhớ tại sao mình đã quyết định kết hôn, động cơ
nào khiến chúng ta quyết định đi đến việc lập gia đình? Quý vị có còn nhớ những
ngày hoa mộng, tâm hồn quý vị ngập tràn những ước mơ, chan chứa thật nhiều hy vọng
về một đời sống lứa đôi hạnh phúc? Có thể quý vị mong ước muốn chia sẻ cuộc đời
của mình với một người mà quý vị yêu mến. Có thể quý vị muốn ở bên cạnh người
mình yêu và muốn làm cho nàng hay chàng luôn vui vẻ, hạnh phúc. Có thể quý vị mơ
ước một mái ấm gia đình, một “túp lều tranh, hai quả tim vàng”. Có thể quý vị
không muốn sống một cuộc đời cô quạnh. Thế nhưng, tất cả những ước mơ mà chúng
ta vừa kể qua chỉ là lợi ích phụ, là những điều thứ yếu, chưa phải là nền tảng
vững chắc cho một hôn nhân lâu dài.
Tiếc thay, có một số người trong chúng ta bị cuốn hút vào hôn nhân, cũng lo
cưới hỏi xôn xao, mà không hiểu rõ là mình đang dấn thân vào chuyện gì trong suốt
cả quãng đời dài trước mặt. Do vậy, mà có biết bao nhiêu người đã bước vào hôn nhân
với bao mộng đẹp nhưng rồi đã phải vỡ mộng. Người Việt chúng ta diễn tả một
cách ai oán về tình trạng phủ phàng này như sau:
“Tình chỉ đẹp khi còn dang dở,
Đời mất vui khi đã vẹn
câu thề”
Thực ra, hôn nhân là món quà Thiên Chúa gởi tặng cho loài người. Chính
Thiên Chúa đã thiết lập lễ hôn nhân đầu tiên cho hai con người đầu tiên là
A-đam và Ê-va, với những mục đích thật cao đẹp, để giúp cho cả vợ lẫn chồng có
chung một đời sống trọn vẹn, biết nương tựa và ràng buộc vào nhau, chung hưởng
một đời hạnh phúc bên nhau.
Nhiều người đã vỡ mộng vì không hiểu rõ mục đích về món quà thật cao quý
này của Thiên Chúa. Từ khi phạm tội và xa cách Thiên Chúa, con người đã đem vào
hôn nhân những triết lý giả tạo, đánh mất ý nghĩa và mục đích nguyên thủy của
hôn nhân do chính tay Thiên Chúa thiết lập nên. Có người thắc mắc rằng, có phải
hôn nhân là một chuyện riêng tư giữa hai con người đang yêu nhau, hay hôn nhân
là một hành động công khai của hai con người đang ký kết với nhau trong một hợp
đồng? Trong quan điểm của Kinh Thánh, hôn nhân không phải là một hợp đồng bị
ràng buộc bởi luật pháp hay các luật lệ của xã hội. Hôn nhân, thực ra, là một
giao ước với Thiên Chúa, của một người nam và một người nữ, và giao ước này phải
được tuyên bố công khai trước gia đình, bà con, láng giềng, bè bạn. Giao ước
này đứng vững được, không phải do luật pháp áp chế, luật lệ hăm dọa trừng phạt,
nhưng giao ước này tồn tại, bền vững hơn bất kỳ mọi hợp đồng pháp lý nào trên đời,
vì đây là một giao ước vô điều kiện.
Chúng ta thường thấy, những hợp đồng thì phải có những điều kiện đi kèm
theo. Một hợp đồng giữa hai cá nhân hay hai công ty, thường nêu ra những trách
nhiệm mà đôi bên phải song phương thi hành. Trong hợp đồng, nếu người này làm
điều này, thì người kia sẽ làm điều nọ một cách tương xứng. Thế nhưng trong
liên hệ hôn nhân, không có những mệnh đề điều kiện. Trong lời kết ước hôn nhân,
không ai nói như thế này “Nếu người chồng yêu vợ, thì người vợ sẽ tiếp tục hợp
đồng”, hay cũng chẳng có tuyên bố rằng “Nếu người vợ vâng phục, thì người chồng
sẽ tiếp tục ở lại trong hôn nhân.” Hôn nhân là một sự dấn thân của hai người
yêu nhau mà không đòi hỏi điều kiện.
Trong hầu hết các hợp đồng, có những điều kiện cho phép hủy bỏ hợp đồng. Nếu
một người không thực thi phần trách nhiệm của mình, thì người kia sẽ được miễn
trách. Trong hợp đồng, nếu một người không làm theo những gì đã thỏa thuận ban
đầu, thì người kia có quyền xé bỏ hợp đồng. Nhưng trong hôn nhân, không có mệnh
đề xóa bỏ. Hôn nhân không phải là một hợp đồng, nhưng là một sự dấn thân, không
đòi hỏi điều kiện, của một người nam và một người nữ, cùng chung bước vào đời sống.
Khi nói hôn nhân là một sự dấn thân, quý vị và tôi có thể giải thích “sự dấn
thân” theo những nghĩa khác nhau. Có người nghĩ rằng mình dấn thân nhiều hay
ít, phụ thuộc vào sức khỏe hay tình cảm của mình. Thực ra, động từ “dấn thân”
có nghĩa là lao vào hay thực hiện. Dấn thân không dựa trên cảm xúc vui buồn. Nó
là một lời kết ước sắt son, vượt lên trên những cảm xúc tạm thời. Nó là một lời
hứa nguyện, dẫu đường đời có nhiều chông gai, trở ngại, vẫn chung bước sánh
vai. Nó là một sự tận hiến trọn vẹn của một người đến với một người, như chúng
ta thường ví von:
“Yêu nhau mấy núi cũng trèo,
Mấy sông cũng lội, mấy
đèo cũng qua”.
Đúng là sự dấn thân có nhiều may rủi, hiểm nghèo, nhưng phần thưởng của nó
làm tâm hồn chúng ta thỏa nguyện.
Dấn thân có nghĩa là bỏ đi kiểu suy nghĩ trẻ con, không còn bắt người bạn đời
phải chìu chuộng, đáp ứng một cách vô điều kiện những đòi hỏi của mình. Dấn
thân có nghĩa là, trong đời sống hôn nhân, không sao tránh những giây phút thất
vọng về người bạn đời ở điểm nọ, ở lúc kia, nhưng không vì thế mà đòi chia tay.
Dấn thân là luôn luôn, chứ không phải thuận tiện thì mới dấn thân. Dấn thân cứ
tiếp tục cho đến khi cuộc đời chung kết, “cho đến khi sự chết chia lìa đôi ta”
như chúng ta thường nghe chú rễ và cô dâu long trọng kết ước trong các buổi lễ
cưới.
Chúng ta thường nghĩ rằng dấn thân là chịu đựng, là phải hứng chịu một lô
những tính xấu của người chồng hay người vợ. Thực ra, dấn thân là một sự đầu
tư, là cùng nhau xây đắp mối quan hệ vợ chồng. Dấn thân không chỉ là chấp nhận
và tha thứ những khuyết điểm của nhau, nhưng dấn thân còn có nghĩa là hợp tác để
thay đổi nhau ngày càng tốt đẹp hơn. Có bao giờ quý vị quan sát và thấy các cặp
vợ chồng thương yêu và gần gũi nhau, thì ngày càng trở nên giống nhau, không những
trong thói quen, cách suy nghĩ, mà ngay cả tư cách, tính tình và thậm chí khuôn
mặt và nụ cười cũng bắt đầu hao hao giống nhau. Dấn thân là ảnh hưởng lẫn nhau
để cùng thay đổi cho phù hợp hơn, cho tốt đẹp hơn. Dấn thân là cứ gắn bó, là thủy
chung, là trước sau như một, dẫu hoàn cảnh ra sao.
Có một người vợ tâm sự như sau:
“Năm 1988, bác sĩ phát hiện tôi bị nhiễm vi khuẩn Epstein-Barr, gây ra
những triệu chứng mỏi mệt triền miên. Kể từ đó, cuộc đời tôi đã thay đổi hẳn,
không còn náo động và hào hứng như xưa. Chồng tôi, Kelly, phải thế chỗ của tôi
trong gia đình và trở thành người bảo bọc tôi. Chàng phải cáng đáng đủ mọi thứ,
vì tôi không còn sức lực nữa. Những lúc dường như tuyệt vọng, chàng nắm lấy bàn
tay tôi, kể cả trong mười ngày tôi nằm trong bệnh viện. Chàng luôn nhắc tôi cần
phải nghỉ ngơi, mặc dầu khi tôi nghỉ, thì chàng phải gánh thêm công việc lên
vai. Hễ có tia hy vọng nào để chữa bệnh cho tôi, là chàng sẵn sàng chi tiền
ngay để lo cho tôi, dầu có tốn kém đến đâu. Chàng không chỉ là một người chồng,
nhưng chàng còn là người bạn tốt nhất của tôi, gần gũi với tôi hơn cả những người
ruột thịt của tôi. Khi tôi mới gặp chàng, thì chàng là hiệp sĩ của tôi, với cái
khiên sáng chói và bây giờ, trải qua 14 năm rưỡi chung sống trong tình chăn gối,
chàng mãi mãi là hiệp sĩ của riêng tôi. Đôi khi, tôi tâm sự với chàng rằng
chàng là sự cứu rỗi của tôi, bởi vì tôi không biết mình liệu có còn sống đến giờ
này không nếu không có chàng dấn thân, hy sinh cho tôi. Tôi không biết tôi còn
tin cậy vào Thiên Chúa không nếu không có chàng kề cận, khích lệ, vỗ về tôi. Biết
chàng, yêu chàng và chung sống với chàng là kinh nghiệm sống tuyệt vời nhất của
tôi.”
Tình vợ chồng là tình yêu vô điều kiện, cũng giống như tình yêu Thiên Chúa
đối đãi với con người chúng ta vậy. Chính Kinh Thánh đã nhiều lần xử dụng hình ảnh
hôn nhân để mô tả sự quyến luyến, lòng hy sinh và tình thương vô đối của Chúa Cứu
Thế Giê-xu đối với Hội Thánh là tập hợp của những người tin nhận Ngài.
Trong khi loài người chối bỏ Thiên Chúa là Đấng tạo dựng và ban cho chúng
ta bao điều tốt lành trong cuộc sống, thì chính Thiên Chúa Ngôi Hai đã tự nguyện
giáng trần, sinh ra làm một con người mang tên Giê-xu. Cả cuộc đời của Giê-xu
là để bày tỏ lòng nhân ái vô biên của Thiên Chúa và cuối cùng, con người Giê-xu
đã tự nguyện hy sinh, chết đau đớn trên cây thập tự để đền nợ tội thế cho nhân
loại, tránh cho chúng ta bản án phạt đời đời. Tình yêu vô điều kiện của Chúa
Giê-xu dành cho mỗi chúng ta, được Kinh Thánh mô tả như sau:
“Đang khi chúng ta bó tay tuyệt vọng,
Chúa Cứu Thế đã đến đúng lúc để chết thay cho chúng ta, là người tội lỗi, xấu
xa. Thông thường, ít thấy ai chịu chết cho người công chính, hiền lương, nhưng
dù sao, nghĩa cử ấy còn có thể xảy ra. Nhưng Thượng Đế đã chứng tỏ tình yêu
thương Ngài đối với chúng ta, khi Chúa Cứu Thế chịu chết thay chúng ta là người
tội lỗi.” (Rô-ma 5:6–9)
Do sự dấn thân vô điều kiện để cứu chuộc loài người, mà Kinh Thánh gọi Chúa
Giê-xu là Chàng Rể và Cô Dâu chính là Hội Thánh của Ngài. Ngày trọng đại khi những
người tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu được gặp Ngài trên thiên đàng vinh hiển,
Kinh Thánh gọi là Ngày Tiệc Cưới Chiên Con.
Hôn nhân là sự dấn thân vô điều kiện. Những ai đang sống hết lòng cho hôn
nhân, dấn thân vô điều kiện cho người bạn đời của mình, thì cũng sẽ dễ cảm nhận
tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa, Đấng đã yêu chúng ta biết là bao, đến nỗi
đã hy sinh chính mạng vàng của Con Một của Ngài, cứu chuộc chúng ta ra khỏi những
trói buộc và hệ quả của tội lỗi.
Kính chúc quý vị một hôn nhân thật hạnh
phúc theo như ý định tốt lành của Thiên Chúa.
MT: Christianback nguyenngocbach
HT: SHALOM
0 comments:
Đăng nhận xét