­Top Banner Advertisement
Tin bài mới
Thứ Tư, 25 tháng 11, 2015

Phải chăng có một Đức Chua Trời tốt lành

Gần Đất Xa Trời Hoặc Gần Trời Xa Đất
Tác giả: Phùng Văn Chiêu
Những gì tự thuật lại trong những trang nầy không ngoài mục đích để cho đọc giả, họ hàng, bằng hữu, người thân quen của tôi, sẽ giải tỏa hết thắc mắc trong lòng sao có người đến tuổi 79, đến lúc “gần đất xa trời” nầy lại thay đổi niềm tin.
Chúa là tốt lành
 Sự lựa chọn từ đạo Phật, Công giáo rồi sang qua Tin Lành khiến tôi đã bị giằng co và âm thầm mang một gánh nặng trong lòng từ nhiều năm qua. Không bị khuyến dụ, hay nghe theo ý kiến của ai cả, mà do đức tin từ đáy lòng của tôi. Kể cả các con cháu của tôi, những người đã theo đạo Tin Lành nhiều năm trước, chưa một người nào nói với tôi một lời về Chúa. Ngược lại tôi rất tôn trọng về sự lựa chọn và đức tin của các con, nên không có một lời chỉ trích hay ngăn cản khi các con theo Tin Lành. Tôi chỉ có một yêu cầu là dù theo đạo nào cũng giữ đạo làm người được tốt là tôi mừng rồi. Do đó việc tôi tin nhận Chúa Jesus Christ tại thánh đường Hội Thánh Orange ngày 1.1.2006 trong buổi lễ thờ phượng Chúa đã làm cho con tôi rất ngạc nhiên, vui mừng và cảm động đến rơi lệ. 

 Tôi được sanh trong một gia đình Phật giáo, bảo thủ, lấy chữ hiếu làm đầu, luôn noi theo di huấn của tổ tiên là bảo tồn gia tộc. Từ khi 10 tuổi đến lớn khôn, cha mẹ luôn nhắc tôi phải thờ phượng ông bà, bảo quản nhà từ đường và đất hương quả để có nơi thờ phượng tổ tiên. Vả lại tôi là con trai trưởng, ví như là trưởng tộc, nên mọi người đặt hết hy vọng vào tôi để tôi lèo lái thế nào cho mọi người trong gia tộc phải đoàn kết. Vì lý do đó mà cho đến sau nầy, tôi luôn bảo tồn và noi theo di huấn của tổ tiên. Thời gian sau ngày 30.04.1975 dù gặp rất nhiều khó khăn, bằng mọi giá chúng tôi vẫn làm theo lời dạy bảo của cha mẹ. Hằng năm khi đến các ngày giỗ, họ hàng trong gia tộc đến tề tựu đông đủ trong tình thân gia đình. Tôi được yên tâm, vui lòng vì đã hoàn thành được nhiệm vụ của mình.

 Giữa năm 1967 vợ tôi là một hiền thê rất yêu quí bất ngờ bị tai nạn hàng không trong một chuyến du lịch tại Hongkong trên đường trở về nước. Từ đó tôi bắt đầu cảm nhận sự vô thường của cuộc đời. Cuộc đời quân ngũ của tôi tuy bận rộn (Không Đoàn Trưởng căn cứ Không Quân Biên Hòa) nhưng cũng không làm vơi đi nỗi đơn chiếc. Tôi cũng muốn có người tiếp chăm lo các con nên đến năm 1970 tôi tái giá, cưới người vợ thứ nhì đạo Công Giáo. Để cho gia đình bên vợ được vui, tôi chịu làm phép cưới tại thánh đường trong căn cứ Không quân Biên hòa. Tuy nhiên chữ hiếu tôi rất nặng nên tôi chỉ làm lễ cưới theo lễ nghi Công Giáo thôi, còn chúng tôi đã thỏa thuận là sau đó đạo của ai nấy giữ. Sau nầy con chúng tôi được sinh ra, tôi đều chấp thuận cho các con tôi theo đạo mẹ.

 Thời gian lưu vong tại Pháp, chúng tôi sống ở gần bên gia đình vợ và gia đình bên vợ là Công giáo nên thường hòa mình và hiện diện trong các lễ nghi theo nghi thức Công giáo. Trong thời đó có cha Thiện là bạn thân của gia đình bên vợ, thường tới lui với gia đình và nghĩ tôi là tín đồ Công giáo nên có đề nghị tòa thánh cấp cho tôi một tờ giấy khen tôi là một con chiên tốt và đặt tên thánh tôi là Antoine. 

 Sau đó vợ chồng tôi chia tay, tôi một mình nuôi bốn con còn nhỏ và thêm sáu con chó nhỏ của các con tôi. Một mình vừa lo cơm nước, đưa đón con đi học, giặt giũ, cùng đủ chuyện trong nhà và đi làm việc để sinh sống. Trong bốn năm trời vất vả, mệt mỏi, bệnh không dám nghỉ việc. Mỗi đêm về đến thì đã khuya, trong nhà con cái đều an giấc. Không đêm nào tôi có mặt ở nhà trước 12 giờ khuya cả. Đêm nào như đêm nấy, về đến nhà thấy con thơ không mẹ nằm ngủ ngổn ngang, nhìn vẻ mặt con ngây ngô, hồn nhiên khiến tôi thật đau lòng, tôi không tài nào nhắm mắt ngủ được, nên mở TV xem cho đến mòn mỏi, ngồi ngủ luôn trên sofa cho đến sáng. 

 Thật là một thời gian quá gian nan, vất vã. Tôi nghĩ đời tôi đã mất hết mọi điều, xa quê hương lạc loài, gia đình tan rã, nỗi đau và khổ nhọc chồng chất, nhiều lúc tôi nghĩ đã đến đường cùng rồi, nhưng nhớ đến các con còn nhỏ dại, tôi ráng tiếp tục để lo bổn phận. Có một đêm sau khi nghỉ việc nhà hàng lúc đó khoảng 12:30 khuya, trên đường về nhà đi qua một nhà thờ tôi thấy đèn còn sáng vì lễ nửa đêm chưa chấm dứt. Tôi vào để thử cầu xin Chúa có ban phước gì cho mình không? Khi đó tôi như người đang chới với sắp bị chìm ở giữa dòng sông, nên gặp phao hay vật gì cứ chụp lấy cho khỏi bị chết chìm. Mệt quá, tôi tìm ghế ngồi nghỉ trước rồi tính sau. Nhưng người đông quá không còn chỗ nào cho tôi, nên tôi đành đứng tựa vào gốc cột gần cửa chánh, chắp tay cầu nguyện xin Chúa cứu giúp. Cầu nguyện xong nhìn lên tôi thấy tượng một ông Thánh, khi nhìn kỹ lại thấy tên của ông cũng là Antoine, như Cha Thiện đặt cho tôi. Tôi suy nghĩ sao mà có sự trùng hợp như vậy rồi sau đó lần lần tôi quên mất, không nhớ đến tờ ban khen mà tôi có tên là Antoine. Mãi đến năm 2004 khi dọn nhà, lục lại hồ sơ cá nhân tôi mới tìm lại được. 


 Thời gian sau, mỗi khi trên đường về nhà thấy nhà thờ còn đèn sáng là tôi vào tựa dưới chân thánh Antoine mà cầu nguyện với Chúa. Thú thật tôi không cảm nhận Chúa có đáp lời tôi không? Nhưng tôi nghĩ Thượng Đế chắc không để cho tôi đến bước đường cùng đâu và tự nghĩ mình phải cam tâm để đối diện với mặt trận đời khó khăn nầy, còn khó hơn bội phần mặt trận Mậu Thân 1968 mà tôi đã gặp phải. 

 Rồi ngày qua ngày tôi lấy lại được thăng bằng cuộc sống, con cái tôi càng lớn khôn, tôi tìm được hạnh phúc mà tôi không bao giờ muốn mất đi, đó là tình phụ tử. Tôi cũng muốn dành hạnh phúc trọn vẹn đó cho con cái tôi. Và các con từ đứa con lớn đến đứa nhỏ, đều ngày càng tỏ ra hiếu kính, yêu thương tôi nhiều. Từ đó, tôi chỉ nghĩ đến các con thôi, nên tôi tự nguyện sống độc thân để tình yêu thương cha con không bị chi phối. Vì lẽ đó mà từ 26 năm qua dù có đứng trước mọi cám dỗ về tình cảm, dù có cơn sóng gió nào tôi cũng cố vượt qua được. Những khi rảnh rỗi tôi tìm thú vui lành mạnh cho thể xác và tinh thần: đó là thể thao và văn nghệ. 

 Thời gian từ 1990 đến sau nầy, nhiều biến cố xảy ra cho sức khỏe tôi: khi từ phi trường Los Angeles về nhà con trai tôi là cháu Phụng, tôi bị tai nạn xe làm cho xương bánh chè phải của tôi bị nứt làm đôi và nhiều vết thương khác từ đầu đến chân. Tôi được đưa vào cứu cấp và điều trị tại bệnh viện USC Los Angeles. Sáng hôm sau, khi còn đang nửa tỉnh nửa mê, tôi mơ màng nhìn thấy tượng Chúa trên vách tường, cứ nghĩ là tượng Phật nên tôi cứ cầu xin Phật cứu độ. Khi thật tỉnh lại mới thấy đó là Chúa trên thánh giá, đôi mắt nhân từ nhìn tôi, tôi chỉ vừa kịp xin lỗi Chúa thì lại bị thiếp ngủ nữa lúc nào không biết. 

 Đến trưa tỉnh lại, mở mắt ra tôi lại thấy một mục sư Mỹ nhìn tôi cười và ông nói để ông cầu nguyện cho tôi. Phản ứng đầu tiên là tôi trả lời: “Thưa Mục sư, tôi đạo Phật.” Nhưng ông vẫn tươi cười và nắm tay tôi, xin Chúa cứu rỗi tôi, ban phước lành cho tôi. Tôi cảm động nhắm mắt theo dõi lời cầu nguyện của ông. Những ngày nằm bệnh viện sau đó ông có trở lại thăm hỏi. 

 Có lẽ tôi có duyên phần với Chúa nên khi đó tôi quên mình là đạo Phật, mỗi ngày sáng như tối tôi đều có cầu nguyện xin Chúa phù hộ và ban phước lành cho tôi mau vượt qua cơn bệnh của tôi. Tôi có ý nghĩ Chúa hay Phật cũng không sao cả. Đấng nào cũng tốt cả, lúc đó tôi chỉ cầu sao cho mau lành bệnh là tốt rồi. Mười lăm ngày sau khi mọi thủ tục kiểm soát y khoa hoàn tất, các bác sĩ quyết định giải phẫu để kẹp sắt lại chỗ xương bị nứt. Khi tôi nằm trên băng-ca để được đưa đến phòng giải phẫu, bất thần tôi bị nghẹt thở, không la lên được. Sau đó bác sĩ khám phá thấy tôi bị đau tim, triệu chứng nầy tôi chưa hề bị từ trước, vì tôi còn rất khỏe, mặc dù đã 62 tuổi mà mỗi ngày tôi đánh tennis (đánh đơn) đến hai tiếng đồng hồ không hề biết mệt.

 Trong thời gian chờ đợi ổn định bệnh tim, tôi suy nghĩ rất nhiều, tôi nghĩ rằng Thượng Đế thấy tôi không nên giải phẫu vì có thể sẽ nguy hiểm đến tính mạng nên khiến cho có triệu chứng tim để ngăn cản lại. Tôi tin đó là quyết định của Thượng Đế nên tôi xin các bác sĩ xương không giải phẫu nữa. Tôi nghĩ là tôi tin Chúa từ đó nên sau khi xuất viện tôi có mua tượng Chúa đem về thờ. Trên bàn thờ Phật có từ trước được ngăn đôi, một bên là Phật, một bên là Chúa. Từ đó đêm nào tôi cũng cầu nguyện hai Ngài phò hộ cho tôi và gia đình. Ai thấy tôi thờ như vậy đều phê bình: “sao mà thờ kỳ vậy”, tôi trả lời được hai Đấng giáo chủ phù hộ, mình vững tâm hơn. Những lần sau, khi vào cứu cấp hay điều trị tại bệnh viện, tôi đều nhớ cầu nguyện Đức Phật và Đức Chúa độ mạng. Kể cả năm lần được thông tim, mỗi lần đều được tai qua nạn khỏi, cũng lạ là tôi không biết sợ hay lo nữa.

 Vào đầu năm 2000 tôi phải trở vào bệnh viện, lần nầy phải chịu giải phẫu tim, là đại giải phẫu kéo dài đến sáu, bảy tiếng đồng hồ, làm bypass cho năm mạch tim bị nghẽn. Mặc dù bác sĩ an ủi tôi rằng tỷ lệ nguy hiểm đến tính mạng chỉ có 10%, nhưng tôi cứ miên man với con số 10% đó, vì biết đâu mạng mình kỳ nầy nằm trong con số 10% nầy. Do đó tôi đã chuẩn bị tư tưởng là tôi đã tuổi 72 rồi nên Thượng Đế có gọi thì cũng không sao. Nói vậy chớ tôi vẫn lo vì không có tôi thì gia đình sẽ ra sao và lại còn mấy con chưa thành gia thất, cuộc đời còn đang bấp bênh tội nghiệp. Ngoài ra nhiệm vụ đối với gia tộc còn nặng trên vai chưa hoàn tất, còn cả gia tộc 200 người đang hướng về tôi, cũng như nhiều bằng hữu đã từng sống chết với tôi, xa họ tôi không đành. Tôi chỉ có thân già, không có gì để lại cho họ, cho đời, nên khi còn 1 tuần nữa là đến ngày giải phẫu tôi thực hiện được một CD (1.000 bổn) với tiếng hát của tôi để lại cho họ một chút kỷ niệm thâm tình.

 Một ngày trước khi giải phẫu tại bệnh viện UCI, tôi không sao nằm yên một chỗ được, vì quá lo âu. Tôi đi từ từng lầu nầy đến từng kia để quên đi nỗi lo âu. Khi tôi đi qua phòng hội thấy có rất đông bệnh nhân tập họp nghe mục sư giảng đạo thì có một người Mỹ đi ra mời tôi vào. Khi mục sư giảng xong, ông đến hỏi thăm tôi và ông nắm tay tôi rồi cầu nguyện xin Chúa ban phước lành cho tôi. Dứt lời, ông nói tôi yên tâm đi vì có Chúa, Ngài sẽ phò hộ cho. Sáu giờ sáng hôm sau, khi tôi nửa tỉnh nửa mê, tôi nghe văng vẳng có tiếng cầu nguyện xin Đức Chúa Trời phò hộ cho tôi, . Khi mở mắt ra tôi thấy đó là một trong hai cô y tá đang lau chùi các vết máu khô trên ngực tôi. Mặc dù đang bị đau và rất mệt nhưng tôi hết sức cảm động và cố gắng nói lời cám ơn cô y tá ấy. Từ những ngày đó niềm tin của tôi trong Chúa ngày càng nhiều, vì tôi biết là từ bao năm qua Chúa lúc nào cũng ở bên cạnh và phò hộ tôi. Lúc nầy lòng tôi lại mang nặng một sự đắn đo, tâm hồn tôi như bị dằng co giữa Đức Chúa và chữ hiếu. Một bên là Đấng Tạo Hóa, là Đấng cứu mạng, bên kia là chữ hiếu, trách nhiệm đối với gia tộc, khiến tôi rất khó xử. Tôi là người nhiều tình cảm và nặng nợ với gia tộc, nếu tôi tiếp nhận Chúa thì có thể làm cho người thân trong gia tộc, nhất là vong linh của cha mẹ tôi buồn lắm; một mặt tôi như cảm nhận được tình yêu của Chúa và tôi thấy thật có lỗi với Ngài, nên mỗi lần cầu nguyện tôi đều xin Chúa tha thứ.

 Cho đến buổi chiều ngày 27/8/2005 khi con trai tôi bị té xỉu được đưa vào bệnh viện Arcadia, tôi chạy vào đến giường cứu cấp thì con tôi đã qua đời. Chưa bao giờ đời tôi bị nỗi đau xé ruột như thế: “Cha như chiếc lá vàng còn ngắc ngoải trên cây, sao lá xanh thì lại rụng rơi lìa cành.” Vì quá đau lòng, tôi trách thầm Chúa “Ngài đã cho con thoát bao lần giải phẫu hiểm nghèo, sao bây giờ Ngài không cứu được con trai của con.”

 Giữa lúc tang tóc, tâm tư tan nát, tôi chợt nhận ra có một vị mục sư người Mỹ đã có mặt tự bao giờ. Ông vỗ về, an ủi từng người và cùng chúng tôi dâng lời cầu nguyện. Cho đến gần nửa đêm, khi mọi người rời bệnh viện ông mới chịu ra về. Trong ngày tang chế bận rộn tôi quên xin địa chỉ của mục sư để gởi thư cám ơn. Do đó khi con gái tôi là cháu Hà và cháu nội tôi đề nghị làm lễ an táng theo Tin Lành cho anh và cha chúng nó, tôi sực nhớ đến vị mục sư ấy nên tôi chấp thuận ngay không nghĩ ngợi gì cả vì hình ảnh và sự nhiệt tình của vị mục sư như nhắc nhở tôi là Chúa đã đến với gia đình chúng tôi. Ngày lễ tiễn đưa con tôi đến nơi an nghỉ cuối cùng được Mục sư Nguyễn Thỉ và Mục sư Trần Thiện Đức đến làm chủ lễ, cùng rất nhiều tín hữu của Hội thánh Orange đến tham dự. 

 Sự ra đi của con tôi là một nỗi buồn lớn lao cho tôi và gia đình. Nhưng nghĩ lại, đó cũng là ngọn đuốc soi đường đưa tôi đến gần Chúa thêm một bước nữa. Trong tuần lễ sau đó tôi cứ suy nghĩ miên man về hình ảnh của Chúa Cứu Thế, và ngày Chúa nhật đó là lần đầu tiên tôi đến Hội thánh, để thờ phượng Chúa, để tỏ lòng biết ơn Chúa, để cám ơn quí vị mục sư và các tín hữu đã tham dự tang lễ tiễn đưa con tôi.

 Trong buổi thờ phượng, tôi như bị thu hút mạnh khi nghe Mục sư giảng về những lời huyền diệu của Chúa. Đồng thời tôi được cảm kích về thâm tình khó tả giữa các tín hữu, tất cả đều xem như anh em trong một đại gia đình dưới mái nhà của Chúa là Hội thánh Orange. Kể từ sau Chúa nhật đó, tôi cứ mong mỏi những ngày Chúa nhật tiếp theo mau đến để tôi được cùng cháu Hà đến thờ phượng Chúa tại Hội thánh Orange.

 Một tuần trước ngày Lễ Chúa Giáng Sinh (25/12/2005) tôi bị bệnh phải vào bệnh viện USC để chữa trị. Cả tuần lễ cơn ho suyễn trở nên nặng thêm, đêm nào khi nằm xuống thì đàm nhớt dâng lên thật nhiều làm tôi bị nghẹt không thở được, tôi có cảm tưởng không còn sống được nữa, và hơn một tuần lễ tôi phải ngủ ngồi, hơi thở rất nặng nề. Vậy mà ngày 25/12/2005 bác sĩ bảo tôi phải xuất viện. Tôi quá lo lắng, sợ khi về nhà nếu bệnh có biến chứng, không có bác sĩ hay y tá tại chỗ thì sẽ ra sao. Nghĩ đến đó tinh thần tôi xao động mạnh, bao thất vọng bao trùm lên tôi. Tôi sực nhớ lại một tuần qua tôi quên cầu cứu với Đức Chúa, tôi liền chấp tay cầu xin Chúa thương xót chữa lành. Một mặt tôi phân vân không biết lần nầy Chúa có ban phước cho mình như mấy lần trước không? Khoảng 20 phút sau, đang suy nghĩ viễn vong thì có bốn người bước vào. Tôi ngước lên thấy Mỹ-Dung cùng ba cháu khác đi vào, khi ấy khoảng 4 giờ chiều. Chưa ai nói lời nào, và phản ứng đầu tiên của tôi là hai giòng lệ tuôn trào vì quá cảm động. Con gái Dung chỉ nói có một câu là “Các con đến thăm để cầu nguyện xin Chúa ban phước lành cho Ba và để trao quà giáng sinh của ông bà Mục sư Thỉ gởi tặng cho Ba.” Cháu Dung vừa dứt lời thì một bà y tá đến để đo huyết áp cho tôi. Tôi giới thiệu các cháu cho bà y tá và khi biết được các cháu từ Hội thánh Tin Lành đến, bà ta liền nói bà cũng là Christian, xong bà đặt tay lên vai tôi cầu nguyện, xin Chúa bảo vệ tôi, tôi nhắm mắt nghe lời cầu nguyện của bà. Sau khi bà y tá đo áp huyết xong, các cháu lại cầu nguyện cho tôi một lần nữa. Kể từ giờ đó những căng thẳng trong lòng vơi đi rất nhiều, tôi như trút được nhiều lo âu tự cõi lòng từ mấy ngày qua. Chiều hôm đó các cháu đưa tôi xuất viện rồi từ giả ra về. Khi còn một mình, tôi nhớ lại trưa đó, chỉ một lúc sau khi cầu xin Chúa là các cháu đến như là những thiên sứ của Chúa gởi đến với tôi, thận là một lần nữa Chúa lại cứu tôi.

 Tối hôm đó, sau khi lên giường ngủ thì đàm lại trào lên cổ họng, tôi bắt đầu khó thở, sắp bị nghẹt như những đêm khi còn ở trong bệnh viện. Tôi sợ quá lại cầu nguyện Chúa rằng : “Con xin Đức Chúa cứu con một lần nữa, nếu Ngài thương và cứu được thì cho con được ngủ được yên giấc. Trái lại nếu Ngài thấy đời con đến đến đây là đủ thì xin Ngài để cho con chết luôn trong đêm nay”. Chúa thật nhiệm mầu vì tôi chưa chấm dứt lời cầu xin thì đã thiếp ngủ lúc nào không hay biết. Đến sáng hôm sau thức dậy, mặc dù còn mệt mỏi vì gần một tuần qua toàn là ngủ ngồi, tôi cảm thấy bệnh tôi gần như hết hẳn. Khi đó tôi xin lỗi Chúa vì tính quá cố chấp của tôi, tôi nghĩ Chúa đã thương yêu, gìn giữ tôi qua bao nhiêu khó nguy, tôi có niềm tin nơi Chúa mà sao tôi vẫn chưa chịu tiếp nhận Ngài. Tôi cảm thấy mình thật là có lỗi do sự hờ hững của tôi đối với Chúa trong 16 năm qua. 

 Rồi đến ngày 1/1/2006 là buổi lễ thờ phượng đầu năm, tôi theo cháu Hà đến dự thánh lễ, trước là âm thầm tạ ơn Chúa, sau đó cám ơn ông bà Mục sư Thỉ và các em cháu tại Hội thánh Orange đã cầu nguyện và tặng quà cho tôi chiều ngày Giáng Sinh trước đó. Sau bài giảng “Lời Cầu Nguyện Đầu Năm” nói về quyền năng của Chúa, sự mong manh của đời người, lời dạy sống cách khôn ngoan. Như thường lệ, sau bài giảng, Mục sư Thỉ hỏi có ai muốn tiếp nhận Chúa. Khi nghe hỏi lần thứ hai, lòng tôi như bị xao động mạnh và như có Đấng vô hình nào đưa tôi đi ra. Tôi quỳ xuống khấn nguyện xin Chúa tha tội lỗi, tiếp nhận Chúa Giê-xu là Cứu Chúa của đời mình. 

 Hồi tưởng lại tôi nhớ là trong hơn 16 năm qua tôi tưởng là tôi đã tin Chúa nhưng tôi chưa thật sự vâng phục Chúa mà còn bước đi trên nhiều ngã đường khác nhau. Đời sống tôi nhiều ưu phiền, bất an vì Thiên Chúa chưa làm chủ cuộc đời tôi Tôi chỉ tìm đến với Ngài những khi gặp khó khăn để trông chờ ơn phước mà không biết rằng chính Chúa là Thượng Đế, là nguồn của sự sống, là nguồn ơn phước. Ngài chính là Đức Chúa Trời đã xuống thế làm người, chịu chết nhục nhã, đau thương để chết thế tội cho nhân loại và Ngài đã sống lại ban đời sống mới cho kẻ tin nhận Ngài. 

 Bây giờ, ôn lại dĩ vãng, tôi thật không đủ lời tiếng để dâng lên Chúa lời cảm tạ. Quá khứ tôi đã trãi qua những sự dư dật: sức khỏe, tình yêu, tiền tài, danh vọng. Thời gian qua như luật đào thải đã lấy đi tất cả những gì tôi có trên thế gian nầy. Tôi chỉ còn lại: tuổi già, sức yếu, đơn độc, cơ hàn. 

 **Từ khi tin nhận Chúa, tôi thấy mình có được tất cả: sức mới từ Chúa, tình yêu của Chúa, có Hội Thánh là gia đình và hơn hết là Kinh Thánh, Lời Chúa, là cả một kho tàng vô tận và quý giá. Tôi thật thấm thía câu Kinh Thánh I Phi-e-rơ 1:24-25: 
 “Mọi xác thịt ví như cỏ, 
 Mọi sự vinh hiển của nó ví như hoa cỏ,
 Cỏ khô, hoa rụng, 
 Nhưng Lời Chúa còn lại đời đời. Và lời đó là đạo Tin Lành đã giảng ra cho anh em.” 

 **Tin nhận Chúa, tôi thấy lòng thanh thản và vui mừng. Bây giờ tôi mới hiểu được là dù đời sống có khó khăn, thử thách nhưng tôi luôn đuợc vui thỏa vì tôi bước đi trong sự dẫn dắt của Cha Thiên Thượng và Ngài luôn hiện diện trong đời sống tôi. Tôi cảm nhận được lời Chúa Giê-xu phán: “Ai tin Ta thì được sự sống đời đời.” Một ngày nào đó không xa, tôi sẽ vĩnh viễn lìa xa cõi đời nầy để về đến cõi vĩnh hằng, là nơi “không có sự chết, cũng không có than khóc, kêu ca hay là đau đớn nữa”. Niềm tin mới và mãnh liệt nầy sẽ cho tôi sống những ngày tháng còn lại tràn đầy lòng biết ơn Thiên Chúa, những ngày thật có ý nghĩ, yêu đời và yêu người. Lời cuối tôi xin được đổi lại lời nói ban đầu là trong những ngày “gần Trời, xa đất” nầy, tôi mong mỏi những người thân, bạn hữu, tất cả quý vị hiện diện, và quý đọc giả cảm nhận được tình yêu, ơn cứu rỗi mà Cứu Chúa Giê-xu dành sẵn cho mỗi người chúng ta. 


Phùng văn Chiêu

Thứ Sáu, ngày 24 tháng 11 năm 2006
  • Lời nhắn của bạn
  • Lời nhắn qua Facebook

0 comments:

Đăng nhận xét

Item Reviewed: Phải chăng có một Đức Chua Trời tốt lành Rating: 5 Reviewed By: Unknown