­Top Banner Advertisement
Tin bài mới
Thứ Ba, 24 tháng 11, 2015

ĂN NĂN ĐỂ ĐƯỢC PHỤC HỒI

         
ĂN NĂN ĐỂ ĐƯỢC PHỤC HỒI



GIÊ-RÊ-MI 50:4-5 Đức Giê-hô-va phán: Trong những ngày đó, trong kỳ đó, con cái Y-sơ-ra-ên và con cái Giu-đa cùng nhau trở lại, vừa đi vừa khóc, tìm kiếm Giê-hô-va Đức Chúa Trời mình. 5 Chúng nó hướng mặt về Si-ôn, hỏi thăm về nó mà rằng: Hãy đến, liên kết với Đức Giê-hô-va bởi một giao ước đời đời sẽ không quên!
Dàn bài
1.            Thời điểm trở lại.
2.            Ăn năn trở về với Chúa,con đường để phục hồi.
3.            Tìm kiếm Chúa để tiếp tục được phục hồi.
4.            Giao ước của Đức Chúa Trời.

          Dân tộc Do Thái bắt đầu định cư ở vùng đất Israel ngày nay từ khoảng 1800 năm TCN, sau đó di cư sang Ai Cập trong 1 thời gian khoảng 400 năm. Với sự phát triển dân số nhanh chóng khiến cho dân Êdíptô phải lo sợ và họ đã bắt dân Ysơraên lao động cực nhọc đến nỗi họ không thể chịu nổi bèn khóc lóc kêu gào cùng Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời nghe thấy lời kêu cầu của họ trong cơn khốn cùng. Đến khoảng 1255 TCN, Chúa đã sử dụng Môi-se làm nhiều dấu kỳ phép lạ và dẫn dắt dân tộc Do Thái đến một vùng đất mà Ngài đã hứa ban. Họ phải đi trong đồng vằng 40 năm vì cớ tội lỗi của họ. Đức Chúa Trời nhiều lần cáo trách họ nhưng họ vẫn chưa tin cậy hoàn toàn vào Ngài và họ vẫn luôn oán trách Ngài đến nỗi Chúa định diệt dân này đi nhưng bởi lòng thương xót Chúa tha thứ. Khi Môi-se qua đời thì Giô-suê được Chúa dấy lên để lãnh đạo dân sự tiến vào miền đất hứa. Chúa đã đánh trận cho họ và họ chiếm được miền đất hứa.
Dân Ysơraên sống tại vùng đất hứa đượm sữa và mật nhưng cũng chẳng được bao lâu họ đã quên ơn của Đức Chúa Trời mà bắt chước những nền văn hóa của những kẻ khác, thờ lạy hình tượng, xây dựng miếu thờ trên các nơi cao, trong nhà mình và cả trong lòng mình nữa. Họ bị các dân ngoại xung quanh xâm chiếm đặc biệt là dân  du mục Philistine (tổ tiên của người Palestine ngày nay). Họ rơi vào một vòng luẩn quẩn của tội lỗi mình: Phạm tộià Ăn nănà được giải cứu (các quan xét) à phạm tội. Hết thời các quan xét rồi đến thời các vua cũng vậy. Không có mấy vua còn làm theo Lời của Chúa. Họ phạm phải những điều gian ác trước mặt Đức Chúa Trời.
- Khoảng năm 922 TC thì dân Do Thái bắt đầu chia làm 2 nước, 10 chi phái phía bắc theo vua Giê-rô-bô-am, còn 2 chi phái phía nam theo vua Rô-bô-am.
- Khoảng năm 721 TC quân A-si-ri sang đánh 10 chi phái phía Bắc Ysơraên và bắt đi làm lưu đày.
- Còn phía Nam Giu-đa thì Đức Chúa Trời luôn giang tay về phía họ với nhiều lần kêu họ ăn năn quay trở lại nhưng họ thay vì ăn năn thì họ lại càng làm những điều gian ác, từ dân sự cho đến thầy tế lễ rồi cả tiên tri đều giả hình trước mặt Đức Chúa Trời.

Gie 13:27   27 Những sự gớm ghiếc, tức là sự dâm dục, và tiếng hí ngươi, tội ác tà dâm ngươi trên các gò đồng ruộng, thì ta đã thấy hết. Hỡi Giê-ru-sa-lem, khốn thay cho ngươi! Ngươi chẳng khứng làm sạch mình cho đến chừng nào?
Gie 23:14   14 Nhưng, nơi bọn tiên tri ở Giê-ru-sa-lem, ta đã thấy sự đáng gớm ghiếc: chúng nó phạm tội tà dâm, bước theo sự giả dối; chúng nó làm cho cứng vững tay kẻ dữ, đến nỗi chẳng ai xây bỏ sự ác của mình. Ta coi chúng nó thảy đều như Sô-đôm, và dân cư nó như Gô-mô-rơ.

Lời của Chúa đã được rao ra và báo trước bởi tiên tri Giê-rê-mi về sự hoang vu của Giê-ru-sa-lem trọn 70 năm. Nhưng Ngài không tận diệt họ và còn mở cho họ một con đường sống khi họ ăn ăn.

Sự trở lại
1.    Đúng thời điểm
“Đức Giê-hô-va phán: “Trong những ngày đó, trong kỳ đó, con cái Y-sơ-ra-ên và con cái Giu-đa cùng nhau trở lại..”
Vậy những câu như “Trong ngày đó, trong kỳ đó” có nghĩa gì? Đây chính là thời điểm mà Chúa thấy đã đủ để cho họ nhận ra sự khốn khổ của mình khi xa cách Đức Chúa Trời của mình. Chỉ có Đức Chúa Trời mới biết thời điểm nào là tốt lành nhất cho chính mình họ. Đức Chúa Trời là Đấng luôn làm việc với thời điểm của mình mà không bị lệ thuộc vào bất kỳ ai hay biến cố nào. Ngài lựa chọn thời điểm chính xác khi chúng ta ra đời và khi nào chúng ta sẽ kết thúc cuộc đời này. Ngài lựa chọn đúng thời điểm nào mà đất nước này được dấy lên và đất nước kia bị hạ xuống. Ngài lựa chọn đúng thời điểm mà Ngài sai con một của Ngài chết thế và cứu chuộc chúng ta ra khỏi nô lệ của tội lỗi, sự trung kết thế gian này cũng đã được Ngài ấn định.
     
Sự kiện 70 năm đã được dân Ysơraên trông đợi, dù họ có hối tiếc ăn năn nhưng mãn hạn vẫn là 70 năm trọn, điều này được tìm thấy trong sách tiên tri Đaniên
Daniên 9: 1-3 1 Năm đầu Đa-ri-út, con trai A-suê-ru, về dòng người Mê-đi, đã được lập làm vua trị nước người Canh-đê; 2 đương năm đầu về triều người, ta, Đa-ni-ên, bởi các sách biết rằng số năm mà lời Đức Giê-hô-va đã phán cùng đấng tiên tri Giê-rê-mi, để cho trọn sự hoang vu thành Giê-ru-sa-lem, là bảy mươi năm. 3 Ta để mặt hướng về Chúa là Đức Chúa Trời, lấy sự khấn nguyện, nài xin, với sự kiêng ăn, mặc bao gai, đội tro mà tìm.
Đaniên một tiên tri tiêu biểu trong thời kỳ lưu đầy, một con người yêu mến Chúa và kính sợ Chúa nhưng vẫn bị lưu đầy chung với dân bội nghịch. Ông đã nghiên cứu sách tiên tri Giê-rê-mi và thấy số năm ấn định của Đức Chúa Trời đã sắp mãn nên ông hướng về Chúa, khấn nguyện, nài xin, kiêng ăn, mặc bao gai, đội tro mà tìm kiếm Chúa. Thật là một tấm lòng yêu dân tộc và kính sợ Chúa. Đức Chúa Trời luôn làm việc có nguyên tắc của Ngài, có kỳ định một cách trật tự hẳn hoi, Ngài nắm giữ thời và kỳ cùng lịch sử phát triển của nhân loại trên toàn cõi vũ trụ này.
          Chúng ta cũng thấy điều này trong đời sống và chức vụ của Chúa Giê-xu, khi những người xung quanh Ngài nôn nóng nhưng Ngài thì không. Ngài thường có câu: Giờ ta chưa đến. Ngài luôn làm việc nhưng cũng cần đúng thời điểm. Điển hình trong câu chuyện La-xa-rơ sống lại từ cõi chết; nếu Chúa Giê-xu chịu về ngay hôm được báo thì sự vinh hiển của Chúa chắc sẽ không được thấy rõ và nhiều người cũng không được biết đến. Ngài ở lại thêm hai ngày công thêm hai ngày đi đường trở về Giuđê nữa. Khi về đến nơi thì được biết La-xa-rơ đã chết được bốn ngày rồi điều này có nghĩa rằng chằng còn có sự hy vọng nào nữa. Đoàn dân đông thương mà đến an ủi Mari và Mathê, trong thời điểm này ai cũng biết rằng La-xa-rơ thật sự đã chết. Chúa Giê-xu về đúng thời điểm, La-xa-rơ sống lại từ trong hầm mộ và danh của Đức Chúa Trời được cả sáng. Nhiều người Giu-đa thấy điều ấy bèn tin Ngài. Đấy chính là mục đích của Ngài và vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.

Chúng ta cùng xem thêm một thí dụ nữa được tìm thấy trong sách Ha-ba-cúc Ha 2:3   3 Vì sự hiện thấy còn phải ứng nghiệm trong kỳ nhứt định, sau cùng nó sẽ kíp đến, không phỉnh dối đâu; nếu nó chậm trễ, ngươi hãy đợi; bởi nó chắc sẽ đến, không chậm trễ.
          Sự việc dân Ysơraên bị lưu đầy sang Babylôn ấy là bởi sự cho phép của Ngài và sự lưu đầy phải trọn 70 năm. Tại sao không phải là 40 năm như ở trong đồng vắng? hoàn cảnh này khác với hoàn cảnh lúc lang thang trong đồng vắng 40 năm. Những con số ấn định trong Kinh Thánh đều có một ý nghĩa và lý do nhất định. Đức Chúa Trời không bao giờ làm việc theo ngẫu hứng hay tùy tiện. Bảy mươi năm cũng là mốc đánh dấu sự hưng thịnh của Babylôn sẽ chấm dứt nữa, cho nên có nhiều việc chúng ta không thể hiểu hết được.
Có những điều trong cuộc  sống mình nghĩ chắc Đức Chúa Trời không giải quyết cho mình đâu, mình phải tự giải quyết nhưng kỳ thực thời điểm của Ngài dành cho chúng ta chư đến, nếu như chúng ta vội vàng ắt sẽ gặp nhiều trắc trở. Có nhiều người có sự kêu gọi hầu việc Chúa nhưng họ quá nôn nóng đến nỗi hậu quả là họ thất vọng vô cùng và có những người đã bỏ cuộc. Tại sao Môi-se phải đợi đến chừng ông 80 tuổi thì lúc ấy Chúa mới bắt đầu sai phái ông? Ông cần được loại bỏ hết tinh thần và lối suy nghĩ Êdíptô ra khỏi đời sống mình. Ông được Kinh Thánh mô tả là người khiêm hòa nhất trên thế giới bởi lẽ chỉ có Chúa mới biết thời điểm nào là đúng đắn, tốt lành. Đừng nóng vội bất cứ điều gì hãy chờ đợi đúng thời điểm của Chúa trong mọi hoàn cảnh dù hoàn cảnh ấy là vui hay đang ở trong lò của sự thử thác, hãy nhận biết rằng Đức Chúa Trời luôn hành động theo thời điểm của Ngài chứ không theo thời điểm của cá nhân một con người nào.

2.    Ăn năn trở về với Chúa,con đường của sự phục hồi.
Thưa Hội Thánh chúng ta đều hiểu rất rõ những tội lỗi của dân Ysơraên chống nghịch lại Lời Chúa không phải là một lần mà rất nhiều lần, họ còn được xưng bằng một cái tên khác là “dân cứng cổ”. Họ là tuyển dân của Chúa, đã từng chứng kiến nhiều dấu kỳ phép lạ của Chúa. Họ đã từng nghe tiếng trực tiếp từ nơi Chúa khi Ngài ngự tại núi Si-na-i, có thể nói những gì họ thấy, họ nghe, họ kinh nghiệm một cách trực tiếp từ nơi Chúa nhưng những điều ấy dường như đã không cứu họ ra khỏi một đời sống tội lỗi. Chúa có phán rằng: Vì dân nầy chỉ lấy miệng tới gần ta, lấy môi miếng tôn ta, mà lòng chúng nó thì cách xa ta lắm (Êsai 29:13). Nhưng khi họ trải qua một thời kỳ nô lệ dài như trải qua một đời người thì họ đã thấy được những việc ác mình đã làm đối với Đấng đã cứu họ nhiều lần thì Đức Chúa Trời vẫn tha thứ và mong đợi họ quanh trở lại rồi Ngài lại phục hồi họ.
          Kính thưa Hội Thánh, Đức Chúa Trời không bao giờ đi ngược lại với chính Lời của Ngài và với chính bản chất của Ngài. Ngài là Đấng rất yêu thương, rất thương xót, chậm giận và hay tha thứ nhưng Ngài cũng là Đấng Thánh Khiết và công bình. Tội lỗi đều có những hậu quả của nó, ấy không phải là Ngài ghét chúng ta nhưng ngược lại Ngài muốn chúng ta thay đổi bởi lẽ “vì tiền công của tội lỗi là sự chết”, Ngài yêu tội nhân nhưng ghét tội lỗi. Có nhiều người nghĩ như thế này: Theo Chúa thật khó, mình cứ sống hòa đồng với thế gian cho thoải mái rồi khi về già ăn năn rồi Chúa lại tha ngay và lại được lên Thiên Đàng thôi. Miễn là cuối cùng được lên Thiên Đàng. Có người còn tiêu cực tự bào chữa cho cái tôi của mình là lên Thiên Đàng làm chó cũng được, miễn là trên Thiên Đàng. Nhưng tôi e rằng lòng cứng cỏi chai lì, mắt bị che khuất, tâm trí bị lừa rối đến nỗi không còn có thể ăn năn được nữa. Hay có chăng hối hận, lòng đầy sự đau buồn, than khóc cùng Chúa vì mình đã không lắng nghe Lời Ngài.
          Cái trở về của dân Ysơraên cũng đầy nước mắt như vậy có lẽ có hai sự suy nghĩ sẽ xảy ra tại đây:

+/ Nước mắt của sự đau buồn vì chính tình trạng của mình bởi chính mình gây ra vì đã không vâng theo sự răn dậy của Chúa. Bảy mươi năm làm nô lệ đã đủ để cho họ nhận ra rằng không có sự phước hành nào ngoài Đức Chúa Trời. Điều này đã được tìm thấy trong Thi Thiên 42: 4
1 Đức Chúa Trời ôi! Linh hồn tôi mơ ước Chúa,
Như con nai cái thèm khát khe nước.
2 Linh hồn tôi khát khao Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Trời hằng sống:
Tôi sẽ đến ra mắt Đức Chúa Trời chừng nào?
3 Đương khi người ta hằng hỏi tôi: Đức Chúa Trời ngươi đâu?
Thì nước mắt làm đồ ăn tôi ngày và đêm.
Xưa tôi đi cùng đoàn chúng,
Dẫn họ đến nhà Đức Chúa Trời,
Có tiếng reo mừng và khen ngợi
Một đoàn đông giữ lễ;
Rày tôi nhớ lại điều ấy, và lòng buồn thảm.
Đây là bài thơ của con cháu Cô-rê làm trong thì hoạn nạn và lúc bị lưu đầy; một dòng thơ đầy sự đau buồn nhớ lại ngày nào cùng đoàn dân Ysơraên vào nhà Đức Giê-hô-va đầy ắp tiếng reo mừng và khen ngợi. Ai lấy đều ra mắt Chúa giữ lễ đông như hội; nhưng nay ôi còn đâu cái ngày ấy nữa và bao giờ mới lại có ngày ấy, chắc có lẽ chỉ là mơ thôi. Tác giả mơ ước Chúa, thèm khát Ngài và chỉ biết khóc khi người ta hỏi Đức Chúa Trời ngươi đâu?  Lòng tác giả vô cùng buồn thảm khi nhớ lại những ngày phước hạnh đồng đi với Chúa. Đây chính là những vần thơ mang đầy lòng ăn năn.
+/ Đây cũng có thể là nước mắt của sự sung sướng vì tưởng rằng không bao giờ thấy ngày xưa nữa nhưng bây giờ Chúa vẫn thương xót dân sự khi họ ăn năn quay đầu lại với Ngài. Ngài không tuyệt đường bất cứ một con người nào có lòng trọn thành với Ngài hay con người nào biết sai và ăn năn quay đầu lại thì Ngài vẫn sẽ phục hồi con người ấy dù người đó không phải là tuyển dân của Chúa đi nữa. Hẳn chúng ta còn nhớ về vị vua Nê-bu-cát-nết-sa, người dẫn quân đánh thành Giê-ru-sa-lem, đem hết những vật dụng thờ thánh và những người tài giỏi khỏe mạnh tốt tươi làm phu tù. Đaniên đã cảnh báo ông trong giấc chiêm bao mà ông nằm mơ, Khi khỏi mười hai tháng, vua đi dạo trong hoàng cung Ba-by-lôn, 30 thì cất tiếng mà nói rằng: Đây chẳng phải là Ba-by-lôn lớn mà ta đã dựng, bởi quyền cao cả ta, để làm đế đô ta, và làm sự vinh hiển oai nghi của ta sao? 31 Lời chưa ra khỏi miệng vua, thì có tiếng từ trên trời xuống rằng: Hỡi vua Nê-bu-cát-nết-sa, đã báo cho ngươi biết rằng: Ngôi nước đã lìa khỏi ngươi. Ông trở nên như một con vật ăn cỏ ngoài đồng, bị người ta khinh miệt đuổi đi, nông lá, móng vuốt mọc nhìn như con bò. Nhưng khi ông nhận biết Chúa là Đấng hằng sống, thì ông lại được phục hồi làm vua như xưa, sẽ có nhiều quần thần, mỹ nữ bên cạnh và chính ông làm vinh hiển danh Ngài.
37 Bây giờ, ta, Nê-bu-cát-nết-sa, ngợi khen, tôn vinh, và làm cả sáng Vua trên trời; mọi công việc Ngài đều chân thật, các đường lối Ngài đều công bình; và kẻ nào bước đi kiêu ngạo, Ngài có thể hạ nó xuống.
Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo và ban ơn cho kẻ khiêm nhường; khi vua Nê-bu-cát-nết-sa khiêm nhường và tôn vinh Chúa thì Chúa cũng vẫn thương xót mà để ông tồn tại. Còn việc ông xâm chiếm Giê-ru-sa-lem là việc Giê-hô-va Đức Chúa Trời cho phép điều đó xảy ra nhằm thực hiện ý định của Ngài.
          Có lẽ trong cuộc hành trình theo Chúa không ít những cuộc đời lầm nỡ, rơi vào những cạm bẫy của ma quỷ, của xác thịt mà xa khỏi sự hiện diện của Chúa, chúng ta phải gánh những sự đau khổ của cuộc đời, nhiều sự trói buộc trong đời sống. Có những người đã từng xa rời Chúa nhiều lần, mặc cảm về tội lỗi và những yếu đuối của bản thân. Nhưng Ngài hứa: còn nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác.(Igiăng 1: 9). Ngài chắc sẽ làm sạch tội lỗi chúng ta nếu chúng ta quay trở lại ăn năn rồi Ngài lại phục hồi chúng ta trở lại khác nào đoàn dân Ysơraên vui mừng ngợi khen trong nhà của Đức Giê-hô-va. Để được phục hồi chỉ còn có một cách này đó là Hãy ăn năn trở lại cùng Chúa.
Chúng ta cùng xem lại hình ảnh một người con hoang đàng trong Luca 15 thì chúng ta sẽ hiểu được tấm lòng của Đức Chúa Trời ngày đêm trông đợi những đứa con hư hỏng quay trở về là thể nào. Ngài hoàn toàn yêu thương chúng ta và chẳng làm hại chúng ta bao giờ. Điều chúng ta bị rơi vào thảm cảnh âu cũng là do chính chúng ta lựa chọn và Ngài tôn trong quyết định đó dù Ngài biết chắc có ngày nó sẽ “Nó muốn lấy vỏ đậu của heo ăn mà ăn cho no, nhưng chẳng ai cho.” Về phía Đức Chúa Trời là như vậy nhưng về phía chúng ta thì chúng ta phải quyết định ăn năn giống như người con trai hoang đàng đã quyết định đứng lên đi về xưng tội cùng Cha mình vậy. Điều gì xảy ra khi người con ăn năn, ấy là ngày vui mừng vô cùng, Ngài phục hồi địa vị, Ngài sẽ lại mặc áo, đeo giầy, đeo nhẫn cho chúng ta và cùng nhau hưởng bữa tiệc vui mừng trọn vẹn trong nhà Ngài.

3.    Tìm kiếm Chúa để tiếp tục được phục hồi.

Có ba cuộc hành hương trở về Giê-ru-sa-lem
536 T.C. - Sự trở về đầu tiên, dưới thời Xô-rô-ba-bên.
458 T.C. - Sự trở về lần thứ II, dưới thời Ê-xơ-ra.
445 T.C. - Sự trở về lần thứ III, dưới thời Nê-hê-mi.
Ngay sau khi trở về họ đã bắt tay vào việc xây dựng đền thờ cho Đức Giê-hô-va nơi mà dân sự sẽ tìm kiếm Chúa, ca ngợi và thờ phượng cùng lắng nghe tiếng của Ngài phán dạy. Họ mong mỏi thèm khát Ngài giống như trong đoạn Thi Thiên 42 khi họ còn đang bị lưu đầy. Đây là một thái độ và một tấm lòng yêu mến Chúa, mong nhớ Chúa và muốn tìm kiếm Chúa. Công cuộc thiết lập nơi thờ phượng Chúa chẳng bao lâu cũng bị dang dở và lòng dân sự bắt đầu quay về lo xây dựng nhà riêng của mình còn công việc xây dựng nơi thờ phượng Chúa thì bị bỏ dở.
Chúng ta cùng xem trong sách tiên tri Aghê 1:2-8
 2 Đức Giê-hô-va vạn quân có phán như vầy: Dân nầy nói rằng: Thì giờ chưa đến, tức là thì giờ xây lại nhà Đức Giê-hô-va. 3 Vậy nên có lời của Đức Giê-hô-va phán ra bởi đấng tiên tri A-ghê rằng: 4 Nay có phải là thì giờ các ngươi ở trong nhà có trần ván, khi nhà nầy hoang vu sao? 5 Vậy bây giờ Đức Giê-hô-va vạn quân phán như vầy: Các ngươi khá xem xét đường lối mình. 6 Các ngươi gieo nhiều mà gặt ít; ăn mà không no; uống mà không đủ; mặc mà không ấm; và kẻ nào làm thuê, đựng tiền công mình trong túi lủng. 7 Đức Giê-hô-va vạn quân phán như vầy: Các ngươi khá xem xét đường lối mình. 8 Hãy lên núi, đem gỗ về, và xây nhà nầy, thì ta sẽ lấy nó làm vui lòng, và ta sẽ được sáng danh, Đức Giê-hô-va phán vậy.
Việc tái thiết lập lại đền thờ Đức Giê-hô-va là một mạng lệnh đầu tiên khi dân Ysơraên trở lại. Họ quá mải mê nhà riêng của mình còn việc xây dựng nhà Đức Giê-hô-va lại để hoang vu và ấy mà tại cớ đó Chúa nói các ngươi gieo nhiều mà gặt ít, có nghĩa là làm nhiều cực khổ mà chẳng thu được là bao, ăn mà không no; uống mà không đủ’ mặc mà không ấm’ và kẻ nào làm thê, đựng tiền công trong túi lủng. Ngài kêu gọi khá xem xét đường lối mình. Đền thờ phải được xây lại khi chúng ta quay trở lại với Ngài. Đền thờ là nơi chúng ta sẽ tìm kiếm Chúa, là nơi Chúa hiện diện, là nơi chúng ta ca ngợi và thờ phượng và là nơi Chúa sẽ phán dạy chúng ta phải làm gì. Sự tìm kiếm Chúa phải được ưu tiên hàng đầu sau sự ăn năn. Nếu chúng ta không xây dựng lại, không tái thiết lập lại mối tương giao với Chúa thì chắc chắn kẻ thù sẽ lại gieo những điều xấu vào trong tâm trí, tấm lòng của chúng ta. Chúng ta thấy điều này thật rõ khi chúng ta phạm tội nghịch cùng Ngài, lòng đầy khô hạn và con đường duy nhất cho chúng ta trở lại và được phục hồi ấy là ăn năn, nhưng nếu chỉ dừng lại trên khía cạnh ấy thì vẫn chưa đủ mà chúng ta cần phải tiếp tục tìm kiếm Chúa để chính mình Ngài được đầy dẫy trong chúng ta và tiếp tục loại bỏ những điều sai trật trong đời sống của chúng ta. Đây là điều hết sức quan trọng khi một người ăn năn quay lại với Chúa.
          Chúng ta tìm kiếm Chúa như thế nào? Đây là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Khi Hội Thánh được thành lập và Kinh Thánh được viết ra thì chúng ta tìm kiếm Chúa qua:
          +/ Lời của Ngài là Kinh Thánh: 16 Cả Kinh thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn,Nguyên bổn rằng: Cả Kinh-thánh đều chịu Đức Chúa Trời hà hơi vào có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình, 17 hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành.
Nếu chúng ta không đọc Lời Chúa là lúc chúng ta sẽ thiếu hiểu biết về Ngài, và không hiểu biết về Ngài thì chúng ta sẽ bị lừa dối và cuối cùng sẽ bị diệt bởi thiều sự thông biết. Chúa Giê-xu thắng sự cám dỗ của ma quỷ bởi Lời của Đức Chúa Trời.
          +/ Sự cầu nguyện: Hay còn gọi là tương giao với Chúa một cách mật thiết mỗi ngày. Qua sự cầu nguyện chúng ta sẽ được Chúa bày tỏ nhiều điều, cầu nguyện giúp chúng ta giao thông với Ngài, lắng nghe tiếng Ngài, giúp chúng ta thắng được sự cám dỗ và ham muốn của xác thịt. Chúa Giê-xu trước khi bước lên thập tự giá, Ngài cũng phải cầu nguyện dốc lòng đến nỗi mồ hôi như giọt máu. Chúng ta đắc thắng mọi nan đề, mọi kẻ thù và tràn đầy sức lực đến từ nơi Chúa qua sự cầu nguyện.
          +/ Qua sự ngợi khen và thờ phượng: Thi 22:3   3 Còn Chúa là thánh, Ngài là Đấng ngự giữa sự khen ngợi của Y-sơ-ra-ên.
Phao-lô và Si-la khi đang ở trong tù thì hai người cùng hát ca ngợi Chúa lớn tiếng và Đức Chúa Trời đã thăm viếng làm rúng động nền ngục. Khi chúng ta ngợi khen là lúc chúng ta ca tụng những mỹ đức, những sự oai nghi cao cả của chính mình Chúa sẽ làm Ngài vui thỏa. Khi chúng ta thờ phượng Ngài ấy là lúc chúng ta bước vào nơi chí thánh, ở trong sự hiện diện của Ngài và gặp gỡ Ngài một cách riêng tư.
4.    Giao ước của Đức Chúa Trời.
Trong khi Ba-by-lôn sụp đổ, thì Giu-đa được trọn quyền tự do ăn năn, hối cải trở về với Đức Chúa Trời, một sự trở về mà trên nguyên tắc, là một sự phục hồi toàn bộ Y-sơ-ra-ên trong lịch sử. Họ sẽ tìm đến Si-ôn, không phải là một nơi mà có lần họ đã từng đặt hết niềm tin sai lầm vào nơi đó, nhưng là nơi mà Đức Chúa Trời đã khải thị chính mình Ngài cách chân thật (EsaiIs 2:2-4), và tại đó họ sẽ tái lập giao ước đời không hề thay đổi nữa. Giao ước đời đời ấy là giao ước gì và sao lại không thay đổi nữa.

Giao ước đời đời. Giêrêmi 31: 31-34
31 Đức Giê-hô-va phán: Nầy, những ngày đến, bấy giờ ta sẽ lập một giao ước mới với nhà Y-sơ-ra-ên và với nhà Giu-đa. 32 Giao ước nầy sẽ không theo giao ước mà ta đã kết với tổ phụ chúng nó trong ngày ta nắm tay dắt ra khỏi đất Ê-díp-tô, tức giao ước mà chúng nó đã phá đi, dầu rằng ta làm chồng chúng nó, Đức Giê-hô-va phán vậy.33 Đức Giê-hô-va phán: Nầy là giao ước mà ta sẽ lập với nhà Y-sơ-ra-ên sau những ngày đó. Ta sẽ đặt luật pháp ta trong bụng chúng nó và chép vào lòng. Ta sẽ làm Đức Chúa Trời chúng nó, chúng nó sẽ làm dân ta. 34 Chúng nó ai nấy sẽ chẳng dạy kẻ lân cận mình hay là anh em mình, mà rằng: Hãy nhận biết Đức Giê-hô-va! Vì chúng nó thảy đều sẽ biết ta, kẻ nhỏ cũng như kẻ lớn. Đức Giê-hô-va phán: Ta sẽ tha sự gian ác chúng nó, và chẳng nhớ tội chúng nó nữa.

Sự phục hồi diễn ra cho toàn bộ dân Y-sơ-ra-ên thuộc cả hai vương quốc (20). Hình ảnh mô tả theo nghĩa đen rồi chuyển qua ý hình bóng, vì vương quốc miền bắc kể như không còn gì ngoài ra tên của dân tộc. Sự phục hồi số dân sống trong cảnh lưu đày dù tự thân là sự giải cứu thật sự, nhưng cũng là hình bóng về sự cứu rỗi mà Đức Chúa Trời sẽ thực hiện cho nhân loại trên đất Giu-đa qua một người Do Thái chịu chết vì mọi người trên thập tự giá. Thông qua sự chết của Chúa Giê-xu Christ thì lời hứa mà Đức Chúa Trời đã hứa ấy là Ngài sẽ ban Thánh Linh ngự vào trong lòng của những ai ăn năn tin nhận Cứu Chúa Giê-xu Christ là Con độc sanh của Đức Chúa Trời, đã xuống thế làm người chịu chết, chôn, đến ngày thứ ba Ngài sống lại từ trong kẻ chết để chuộc những kẻ lẽ ra phải chết dưới luật pháp công bình của Đức Chúa Trời. Chính lúc ấy những kẻ được Đức Thánh Linh dẫn dắt đều bước đi theo luật pháp của Thánh Linh đang ngự trong lòng họ, họ được sự dạy bảo trực tiếp từ Đức Thánh Linh. Giao ước mới ấy chính là giao ước trong Thánh Linh của Chúa, Đấng làm của cầm chúng ta cho đến ngày cuối cùng.
          Sự Chúa đã hứa cùng dân Ngài rằng họ sẽ hướng về Si-ôn trong ngày sau rốt và không chỉ có họ mà các dân tộc thuộc các nước đều hướng về Si-ôn nơi sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Người người sẽ nhận biết Ngài và nơi ấy không còn có chiến tranh, không còn có sự đau khổ nữa chỉ có những sự vui mừng trọn vẹn, phước hạnh trọn vẹn. Đây là một viễn cảnh tương lai nhưng cho đến ngày nay lời hứa ấy đang được ứng nghiệm qua con yêu dấu của Ngài. Mọi dân tộc, cùng mọi thứ tiếng đã nhận biết Đức Chúa Trời, chúng ta ngày hôm nay cũng ở trong số ấy. Chúng ta không phải là dân Ysơraên thuộc thể nhưng cũng là dân tuyển thuộc linh của Ngài theo Lời hứa rất lớn của Ngài.


Kết luận: Êsai 2: 2-4  2 Sẽ xảy ra trong những ngày sau rốt, núi của nhà Đức Giê-hô-va sẽ được lập vững trên đỉnh các núi, cao hơn các đồi. Mọi nước sẽ đổ về đó, 3 và nhiều dân tộc sẽ đến mà nói rằng: Hãy đến; chúng ta hãy lên núi Đức Giê-hô-va, nơi nhà Đức Chúa Trời của Gia-cốp: Ngài sẽ dạy chúng ta về đường lối Ngài, chúng ta sẽ đi trong các nẻo Ngài. Vì luật pháp sẽ ra từ Si-ôn, lời Đức Giê-hô-va sẽ ra từ Giê-ru-sa-lem. 4 Ngài sẽ làm sự phán xét trong các nước, đoán định về nhiều dân. Bấy giờ họ sẽ lấy gươm rèn lưỡi cày, lấy giáo rèn lưỡi liềm. Nước nầy chẳng còn giá gươm lên nghịch cùng nước khác, người ta chẳng còn tập sự chiến tranh.

MT: Christianback nguyenngocbach
HT: SHALOM
  • Lời nhắn của bạn
  • Lời nhắn qua Facebook

0 comments:

Đăng nhận xét

Item Reviewed: ĂN NĂN ĐỂ ĐƯỢC PHỤC HỒI Rating: 5 Reviewed By: Unknown