­Top Banner Advertisement
Tin bài mới
Thứ Bảy, 16 tháng 1, 2016

Sự Giàu Có Thật… Trong Đấng Christ

Sự giàu có không có gì là sai, thậm chí trong một vài trường hợp nó đáng ngưỡng mộ, có sai chăng là cách người ta trở nên giàu có. Cũng như tiền bạc không phải là tội lỗi, chỉ lòng tham tiền bạc mới là “cội rễ của mọi điều ác

Sự Giàu Có Thật… Trong Đấng Christ 


Vì anh em biết ơn của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, Ngài vốn giàu, vì anh em mà tự làm nên nghèo, hầu cho bởi sự nghèo của Ngài, anh em được nên giàu.” (II Cô-rinh-tô 8: 9)
 ***


Sự giàu có không có gì là sai, thậm chí trong một vài trường hợp nó đáng ngưỡng mộ, có sai chăng là cách người ta trở nên giàu có. Cũng như tiền bạc không phải là tội lỗi, chỉ lòng tham tiền bạc mới là “cội rễ của mọi điều ác”!
Trong sự thông công với một anh em gần đây, anh ấy nói rằng anh có nghe một mục sư khá nổi tiếng giảng về đề tài Thịnh Vượng. Trong bài giảng, có đoạn ông mục sư này giảng với giọng điệu mỉa mai những ai cho rằng “sống nghèo để giữ lòng thanh sạch”! Ông mục sư này nổi tiếng là “giảng hay”, giàu có, cái gì của ông cũng “Tinh Tuyển” (nhất là giáo lý, thần học) và đặc biệt ông cũng từng nổi tiếng là một “Kẻ Đại Bịp Mang Danh Đầy Tớ Chúa”, tức là một kẻ sống bịp bợm, nhưng lại là người “rao giảng lời Đức Chúa Trời”, nói theo Kinh thánh là một “thằng điếm toan mưu hại người ta”, như trong Châm ngôn có chép:
Thằng điếm toan mưu hại người ta;
Và trên môi nó có như ngọn lửa hừng
.” (Châm ngôn 16: 27)

(Bài giảng như “ngọn lửa hừng” trên môi những thằng điếm)
Người anh em trên đây cũng có đề cập đến một cuốn sách mới đây mà anh có đọc: Cuốn sách dạy cách làm giàu, đặc biệt là cuốn sách này do nhà “xuất bản Công An” xuất bản. 
Trong câu chuyện thông công, tôi chỉ trao đổi với anh em kia câu Kinh thánh này: “Vì anh em biết ơn của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, Ngài vốn giàu, vì anh em mà tự làm nên nghèo, hầu cho bởi sự nghèo của Ngài, anh em được nên giàu.” (II Cô-rinh-tô 8: 9)

1. Ngài vốn giàu: 
Chúa Jesus, Ngài vốn là Đức Chúa Trời cho nên sự giàu có của Ngài không ai có thể suy lừng hết. Tất cả là của Ngài, vì Ngài và hướng về Ngài…!
2. Ngài tự làm nên nghèo:
Chúa Jesus vốn giàu nhưng Ngài tự làm nên nghèo, tức Ngài bằng lòng từ bỏ tất cả và mục đích của sự tự làm nên nghèo đó là “vì anh em”, tức vì Hội thánh, để cứu chuộc Hội thánh… 
3. “Anh em nên giàu”:
…Hầu cho bởi sự nghèo của Ngài, anh em được nên giàu”.
Chữ “nên giàu” ở đây nhiều người đã hiểu sai và áp dụng sai…
Trước hết, sở hữu bao nhiêu trong thế gian này mới được gọi là giàu? 
Những người từng giàu có nhất thế gian này (như vua Sa-lô-môn chẳng hạn) trước mặt Đức Chúa Trời đều là “những tên nghèo mạt”. Bởi so với sự giàu có của Đức Chúa Trời thì nó chẳng nghĩa lý gì cả. Nó như một “con kiến chúa khoe khoang sự giàu có của cái tổ kiến của nó, trước một ông vua giàu có nhất thế gian”!
Chúa Jesus Ngài vốn giàu, nhưng Ngài tự làm nên nghèo, nhưng cho dẫu trong thân phận “nghèo khó” của Chúa, Ngài cũng là người có tất cả mọi sự. Chúa Jesus chỉ ở trong “thân phận của một người nghèo”, Ngài sống như một người nghèo, chứ Ngài không nghèo! Thí dụ: Một con trai, hoặc con gái của một vị tổng thống Hoa kỳ, cô hoặc cậu ta đi du lịch ở một quốc gia nghèo để khám phá cuộc sống dân nghèo ở đó… Trong trường hợp này, con trai hoặc con gái của vị tổng thống không nhất thiết phải mang theo tất cả những gì mình có. Thậm chí cô hoặc cậu ta có thể ăn mặc, đi đứng như một người “không có gì”, để hòa nhập trong cuộc sống của người dân nghèo tại đây. Sự nghèo khó của Chúa Jesus cũng tương tự như vậy.
Sự giàu có thật của Chúa Jesus, hoặc sự giàu có thật trong Đấng Christ có thể được mô tả như Phao-lô đã mô tả trong thư Cô-rinh-tô khi ông viết: “…ngó như buồn rầu, mà thường được vui mừng; ngó như nghèo ngặt, mà thật làm cho nhiều người được giàu có; ngó nhưkhông có gì cả, mà có đủ mọi sự!” (II Cô-rinh-tô
6: 10)
Có thể nói người giàu là người “có tất cả nhưng không mang theo gì cả”! 
Những người có “chút đỉnh của” thường đeo vàng bạc, trang sức đầy người, hoặc có bao nhiêu đeo bấy nhiêu… nhưng người giàu có thật sự đôi khi họ không đeo gì hoặc “sống như một người không có gì”!  
Sự giàu có của Chúa Jesus là sự giàu có trong địa vị, Ngài là Con Đức Chúa Trời nên Ngài có tất cả những gì Đức Chúa Trời có.
Chúa Jesus đến thế gian để chúng ta là những người nghèo “trở nên giàu”, tức là trở nên giống như Ngài trong địa vị là “con Đức Chúa Trời”, là “ngó như không có gì cả mà có đủ mọi sự”… chứ không phải từ một thân phận nghèo về tiền bạc, vật chất… nay chúng ta có chút đỉnh của cải rồi cho đó là “giàu có trong Chúa”!
Vì anh em biết ơn của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, Ngài vốn giàu, vì anh em mà tự làm nên nghèo, hầu cho bởi sự nghèo của Ngài, anh em được nên giàu.” (II Cô-rinh-tô 8: 9)
Sở hữu bao nhiêu trong thế gian này mới được gọi là giàu? 
Sự giàu có của cả thế gian này gộp lại, trước mặt Đức Chúa Trời cũng chỉ là “con kiến chúa khoe sự giàu có thức ăn của cái tổ kiến, trước một ông vua giàu có nhất thế gian” mà thôi!
Chữ “giàu” và “nghèo” trong câu Kinh thánh trên đây phải hiểu theo nghĩa của Kinh thánh, chứ không nên hiểu theo nghĩa “giàu nghèo theo quan niệm thế gian” hoặc “giàu nghèo trên thế gian”- những gì chúng ta tạm sở hữu... 
Những gì chúng ta “TẠM sở hữu” không hẳn là sự giàu có thật. Nhưng với địa vì là con Đức Chúa Trời chúng ta thật sự là người giàu có (theo nghĩa là có tất cả mọi sự) và giàu có vĩnh viễn. 
Một ông chủ đại lý vé số, ông ta cầm trong tay một số tiền rất lớn… không có nghĩa hoặc chưa hẳn là ông giàu có, vì tiền ấy ông “tạm giữ” để đưa về cho công ty Xổ số hoặc để phát thưởng lại cho người trúng số! Ông chỉ là người “Tạm sở hữu”. 
Tài sản mà chúng ta “sở hữu được trên đất” là “Tạm giữ” thì có gì là giàu có!
Đành rằng trên đất này chúng ta mỗi người có thể “tạm sở hữu” ít hoặc nhiều hơn về tiền bạc hoặc vật chất… nhưng sự giàu có đúng nghĩa theo Kinh thánh không phải là những gì chúng ta sở hữu, mà là “địa vị chúng ta có được trong Đấng Christ”! A-men.

4. Mục sư giàu có:
Trong câu chuyện thông công, người anh em trên đây có đề cập đến một số “mục sư giàu có”…
Những mục sư sở hữu tiền bạc, vật chất nhiều không hẳn là sai, cái sai là cách mà họ có được những tài sản đó!
Một mục sư dùng mánh lới, chiêu thức, bịp bợp… để có được tài sản nhiều, rồi gọi đó là “nhờ Chúa ban phước” là một tội. Nó không những có tội trong cách làm giàu bất chính, mà nó còn “gián tiếp sỉ nhục Chúa” vì đã kéo Chúa thành người đồng lõa trong đống tài sản gian dối của mình! (cho dẫu mục sư đó cho rằng mình sở hữu tài sản để “hầu việc Chúa”) 
Một mục sư khi đã phạm tội kiểu ấy thì chỉ “làm nghề mục sư”, chứ không phải thi hành chức vụ mục sư đúng nghĩa theo như cách Chúa gọi. Một người “làm nghề mục sư” khác với một người thi hành thánh chức - chức vụ mục sư.
Giảng dạy về sự thạnh vượng vật chất không có gì sai, nhưng mục đích Chúa đến thế gian không phải để đem cho con người sự thạnh vượng vật chất, bèn là sự thạnh vượng tâm linh vậy. 
Khi chúng ta chú trọng vào vật chất thì làm sao chúng ta gây dựng đời sống tâm linh cho người khác được? 
Hội thánh ngày nay tuy chưa thạnh vượng vật chất, nhưng tâm linh thì đã “rách rưới như gã ăn mày” nơi Cửa Đẹp! Lý do có lẽ vì các mục sư lo đi giảng “thịnh vượng vật chất”!
Phi-e-rơ ngày xưa không cho gã ăn mày nơi đền thờ “tiền hay vàng”, nhưng cho gã “Chúa Jesus”:
Nhưng Phi-e-rơ nói với người rằng: Ta chẳng có vàng bạc chi hết, song điều ta có thì ta cho ngươi: Nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ ở Na-xa-rét, hãy bước đi!” (Công vụ. 3: 6)
Chúa Jesus- Con Đức Chúa Trời đã thay đổi cuộc đời và số phận gã ăn mày, chứ không phải “vàng hay bạc”!

Hội thánh ngày nay không có vàng hay bạc để cho người nghèo, nhưng điều buồn hơn là Hội thánh ngày nay có lẽ cũng… chẳng có Chúa Jesus! - Để Ngài cứ phải đứng “ngoài cửa mà gõ”. (Khải huyền 3: 20)

Cám ơn bạn đã đọc bài của trang web Tin Lành Hà Nội! Hẹn gặp lại bạn đọc vào bài chia sẻ tiếp theo.
MT: CHRISTIANBACK NGUYENNGOCBACH
HT:  TIN LÀNH HÀ NỘI SHALOM






  • Lời nhắn của bạn
  • Lời nhắn qua Facebook

0 comments:

Đăng nhận xét

Item Reviewed: Sự Giàu Có Thật… Trong Đấng Christ Rating: 5 Reviewed By: Unknown