Bài viết hôm nay trang web Tin Lành Hà Nội sẽ chia sẻ về "Ngôi Lời" nhâp thể làm người, để bày tỏ về Đức Chúa Trời và tình yêu của Thiên Chúa với con người.
Từ xưa, đức tin của Giáo Hội đã tuyên xưng rằng Ngôi Lời
Thiên Chúa đã nhận lấy trọn vẹn bản tính nhân loại và trở nên con người như mọi
người, ngoại trừ tội lỗi. Trong lời Tựa của Tin Mừng thứ tư đã viết: “Ngôi
Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Giăng 1: 14), Sứ đồ Giăng đã
dùng từ Hilạp Sarx (thịt – flesh, xác phàm) theo
nghĩa mạnh như là một ý niệm thực tế về thân phận làm người, một thân phận tạo
vật so với sự siêu việt và vĩnh hằng của Thiên Chúa nhằm khẳng định sự mầu nhiệm "nhập
thể" của Ngôi Lời,
để trở nên Đấng Trung Gian bắc chiếc cầu nối khoảng cách xa vời vợi giữa trời
và đất, giữa Thiên Chúa và con người.
Tình yêu của Ngôi Lời Nhập Thể- Tin Lành Hà Nội
Kinh Thánh: Giăng 1:1-4
1 Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là
Đức Chúa Trời. 2 Ban đầu Ngài ở cùng Đức Chúa Trời. 3 Muôn vật bởi Ngài làm nên, chẳng
vật chi đã làm nên mà không bởi Ngài. 4 Trong Ngài có sự sống, sự sống
là sự sáng của loài người.
Câu gốc: “Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở
cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời.” (Giăng 1:1)
Câu hỏi suy ngẫm: Bạn hiểu Ngôi Lời có nghĩa là gì? Ngôi Lời
chỉ về ai? Sứ đồ Giăng cho biết Ngôi Lời có những đặc điểm gì? Ở trong Chúa
Jêsus bạn sẽ nhận được những điều gì?
Tình yêu vốn là lý do thực sự
của việc Nhập thể làm người của Ngôi Lời Thiên Chúa. Vì thế, điều mà mầu nhiệm Nhập thể muốn mạc khải cho
chúng ta là bản chất con người tự nó có giá trị đến độ Thiên Chúa (nơi Đức Chúa
Giê-xu) có thể sống và hành động cứu chuộc nhờ và qua bản tính ấy. Con người
không phải là những kẻ bị loại ra khỏi Nước Trời, nhưng là những thụ tạo cao quí được
Thiên Chúa tạo dựng để được hiệp thông với Người; nhờ Ngôi Lời nhập thể làm người
mà chúng ta không phải là những kẻ ngoài cuộc, nhưng là những người được nâng
lên tham dự cách mật thiết với chính Thiên Chúa. Trong Ngôi Lời Nhập Thể, con
người được tham dự vào sự sống và vinh quang của Thiên Chúa, và được kêu lên
“Abba, Cha ơi !” (Giăngl 4: 6).
Sự Nhập thể của Ngôi Lời là một sự tự huỷ đầy
kinh ngạc và là một lối bày tỏ tình yêu phi thường mà Thiên Chúa dành cho nhân
loại, để trong tư cách là Ađam mới, Đức Chúa Giê-xu kết hợp với mọi người chúng
ta và đảm nhận vào thân thể Ngài thảm cảnh và mọi bất trắc của lịch sử nhân loại.
Việc hiến thân mình làm lễ hi sinh trên thập giá thay cho nhân loại dâng lên
Chúa Cha sẽ không thể hiểu nổi, thậm chí phi lý nếu loại bỏ mầu nhiệm Nhập Thể
làm người cũng như mọi hệ luỵ xuất phát từ nhân tính đích thực và toàn vẹn của
Ngôi Lời Nhập Thể. Bằng mối dây liên đới mầu nhiệm, với tư cách là Ađam mới,
Ngôi Lời đã đón nhận toàn bộ thực tại của lịch sử nhân loại mọi thời đại để thần
hoá nó, làm
cho nó có ý nghĩa vừa nhân bản vừa siêu việt. Theo mọi nghĩa, chính nơi hữu thể
Đức Giêsu Christ, toàn bộ thực tại và lịch sử nhân loại được “siêu việt hoá”, bởi chính nơi Ngài trọn vẹn
là Đấng Siêu Việt và cũng trọn vẹn là con người hữu hạn. Cũng kể từ đây, thân
xác của con người là thân xác đã được cứu chuộc, thân xác đã
được thánh hóa và thần
hóa; thân xác không còn là một sự vật trần tục nhưng là một vật
linh thánh! Và khi lãnh nhận Bap-têm, toàn bộ con người trở nên chi thể của
Ngôi Lời, nói cách khác, Ngôi Lời chiếm lấy trọn vẹn linh hồn và thân xác con
người. Như thế, từ đây Cơ-đốc giáo đã đạt tới đích trên bước đường khẳng định lại
các giá trị, và “chính ở đây mới trắng đen rõ một: con người tự hiến trọn vẹn
cho tha nhân, tự nguyện bỏ mình, Con Người của tương lai, và chính nơi Con Người
đó Thiên Chúa và phàm nhân nên một với nhau.
Khác với 3 sách Tin Lành cộng quan là Ma-thi-ơ, Mác và
Lu-ca, (Ma-thi-ơ viết cho người Do Thái, ông Mác viết cho người La Mã, và ông
Lu-ca viết cho người Hy Lạp), Phúc Âm Giăng được viết cho toàn nhân loại. Sứ đồ
Giăng là môn đệ được Chúa Jêsus yêu, ông rất gần gũi với Chúa nên ghi lại mọi
việc rất chính xác. Mở đầu sách Phúc Âm Giăng, ông giới thiệu Ngôi Lời. Theo
nguyên văn Hy Lạp, Ngôi Lời là Logos. Trong
kinh điển Hê-bơ-rơ, “logos” là sức mạnh
và là tác nhân tạo dựng và bảo tồn vũ trụ; trong triết học Hy Lạp, “logos” là lời để
truyền đạt ý tưởng; ở đây Logos truyền đạt
chương trình, kế hoạch và ý định của Đức Chúa Trời cho loài người. Như vậy,
Sứ đồ Giăng đã dùng từ Logos để chỉ về Chúa Jêsus
(Giăng 1:14).
Sứ đồ Giăng khẳng định Chúa Jêsus có những đặc điểm sau:
Ngài có từ ban đầu, Ngài ở cùng Đức Chúa Trời và Ngài cũng chính là Đức Chúa Trời.
Hay nói khác đi, ông đang nói đến giáo lý Ba Ngôi hiệp một, Chúa Jêsus là Ngôi
Hai Đức Chúa Trời và Ngài cũng là Đức Chúa Trời. Câu 3 cho thấy Chúa Jêsus là Đấng
Tạo Hóa, Ngài sáng tạo muôn loài vạn vật, không có Ngài thì chẳng có vật nào được
tạo thành. Và Ngài cũng là Nguồn Sống bất diệt, Nguồn Sồng ấy soi sáng cho cả
nhân loại (câu 4). Đối với người Do Thái, nói “Ngôi Lời là Đức Chúa Trời” là một
sự phạm thượng. Còn đối với người Hy Lạp, nói “Ngôi Lời đã trở nên xác thịt” là
điều không tưởng. Nhưng Sứ đồ Giăng đem đến cho độc giả một sự hiểu biết mới mẻ
về Ngôi Lời, đó chính là Phúc Âm của Chúa Cứu Thế Jêsus.
Chúa Jêsus không phải là một giáo chủ hay một vĩ nhân như
những người sáng lập các tôn giáo khác. Những giáo chủ ấy là tạo vật của Đức
Chúa Trời và họ cũng đã chết, nhưng Chúa Jêsus là Ngôi Lời, là Đấng Tạo Hóa.
Chúng ta tin nhận Chúa Jêsus chính là tin nhận Đức Chúa Trời, Đấng Sáng Tạo,
Nguồn Sống soi sáng tâm linh. Ở trong Chúa Jêsus là ở trong sự sống, sự sống đời
đời Chúa ban cho khi tin nhận Ngài, nhờ đó tâm linh được ánh sáng thiên thượng
soi rọi. Hãy cứ ở trong Chúa Jêsus để được sống với sự sống sung mãn.
Kết Luận
Trong bối cảnh mang đậm dấu ấn trần tục
hoá hiện nay, đối với nhiều người, chấp nhận một vị Thiên Chúa mạc khải qua
Ngôi Lời Nhập Thể chẳng đem lại một ý nghĩa trực tiếp nào. Con người hiện đại
muốn nắm vững đời sống mình trong tay, họ muốn thoát khỏi sự tha hoá và thể hiện
mình bằng chính sức mạnh của mình. Nhưng một điều luôn chắc chắn, nếu Ngôi Lời
Thiên Chúa không hạ cố mặc lấy thân phận phàm nhân, thì con người sẽ chẳng là
gì trong ý nghĩa của nó. Việc Ngôi Lời mặc lấy xác phàm đã khuyến khích ta chấp
nhận, yêu thương và hiểu rõ được tính xác thịt nơi ta, với tất cả sự trân trọng
những giá trị cũng như giới hạn của nó. Khi chiêm ngắm và suy tư về mầu nhiệm
Nhập Thể: “Ngôi Lời trở nên xác phàm”, ta càng trân trọng hơn đối với thân
xác đã được Ngôi Lời thần hóa nơi
tất cả mọi người. Và con người chỉ thắng được huyền nhiệm cuộc đời mình khi biết
phó mình cho mầu nhiệm Thiên Chúa được mạc khải trong Đức Kitô – Ngôi Lời Nhập
Thể, Đấng là Thiên Chúa thật và là người thật. Chỉ nhờ, với và trong Đức
Kitô, con người mới nhận được sự thật tối hậu của mình.
Bạn giới thiệu Chúa Jêsus với thân hữu như thế nào?
Lạy Chúa Jêsus là Ngôi Lời, Đấng Sáng Tạo,
Nguồn Sống soi sáng tâm linh, xin cho con vững niềm tin nơi Ngài và giới thiệu
Ngài cho nhiều người để họ cũng biết mà tin nhận Ngài. Amen!
Cám ơn bạn đã đọc bài của trang web Tin Lành Hà Nội! Hẹn gặp lại bạn đọc vào bài chia sẻ tiếp theo.
MT: CHRISTIANBACK NGUYENNGOCBACH
HT: TIN LÀNH HÀ NỘI SHALOM
0 comments:
Đăng nhận xét