­Top Banner Advertisement
Tin bài mới
Thứ Hai, 28 tháng 12, 2015

ĐỊA VỊ VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ ĐỐC NHÂN

Nhân lễ Báp têm hôm nay, cùng vui mừng với những người vừa được Chúa cứu ra khỏi sự hư mất để vào trong nhà đời đời của Ngài, được nhận một địa vị mới cùng trách nhiệm mới cho Chúa, chúng ta sẽ học với nhau đề tài:
 
ĐỊA VỊ VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ ĐỐC NHÂN

Kinh thánh: Nhưng anh em là dòng giống được lựa chọn, là chức thầy tế lễ nhà vua, là dân thánh, là dân thuộc về Đức Chúa Trời, hầu cho anh em rao giảng nhân đức của Đấng đã gọi anh em ra khỏi nơi tối tăm, đến nơi sáng láng lạ lùng của Ngài (I Phi 2:9). 


         Dẫn nhập:

         Ở đời, hễ có địa vị thì có trách nhiệm. Địa vị càng cao thì kèm theo trách nhiệm càng lớn. Là Cơ đốc nhân, chúng ta thường không có nhiều địa vị cao trong xã hội và làm môn đồ của Đấng Christ thì còn bị xã hội coi thường. Thế nhưng, đối với Đức Chúa Trời, chúng ta được thương xót, được quí trọng, là tài sản của Ngài mà Chúa Cứu Thế Giê-xu đã mua chuộc bằng chính huyết báu của mình để trở nên con cái Đức Chúa Trời, có một giá trị và một địa vị cao trước mặt Ngài. Bởi địa vị cao trọng đó, chúng ta được đính kèm một trách nhiệm cho Ngài. Vì thế, Sứ đồ Phi-e-rơ đã viết trong lá thư của mình, chỉ một câu Kinh thánh thôi cũng đủ gói gọn địa vị và trách nhiệm của chúng ta là những Cơ-đốc nhân đối với Đức Chúa Trời.

         Nhân lễ Báp têm hôm nay, cùng vui mừng với những người vừa được Chúa cứu ra khỏi sự hư mất để vào trong nhà đời đời của Ngài, được nhận một địa vị mới cùng trách nhiệm mới cho Chúa, chúng ta sẽ học với nhau đề tài:
 

ĐỊA VỊ VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ-ĐỐC NHÂN
Kinh thánh: I Phi-e-rơ 2:9
 

         I. ĐỊA VỊ CỦA CƠ ĐỐC NHÂN:

         1. LÀ DÒNG GIỐNG ĐƯỢC LỰA CHỌN (c.9a):

         Sự tuyển chọn là một công việc để thanh lọc, chọn lấy những cái tinh tuyền, đủ tiêu chuẩn và loại bỏ những cái hư hỏng, kém chất lượng. Đó là cách mà người ta tuyển chọn hàng hóa, trái cây, thực phẩm… Tuyền chọn con người thì khắt khe hơn. Người ta thi tuyển hay thử việc hoặc xem xét và chọn lựa theo tiêu chuẩn riêng để chọn ra những nhân tài, diễn viên, người mẫu…(như tuyển chọn người để bay vào không gian…) và họ là những đại biểu cho số đông người.

         Nhưng Đức Chúa Trời tuyển chọn chúng ta không theo những tiêu chuẩn đạo đức hay tài năng mà chúng ta có, bèn là bởi ân điển, sự thương xót và ý muốn riêng của Ngài mà không ai có thể phân bì được (như cách Ngài tuyển chọn dân Y-sơ-ra-ên):

         - Ấy chính Chúa đã cứu chúng ta, đã gọi chúng ta bởi sự kêu gọi thánh, chẳng phải theo việc làm chúng ta, bèn là theo ý riêng Ngài chỉ định, theo ân điển đã ban cho chúng ta trong Đức Chúa Jêsus Christ từ trước muôn đời vô cùng. (II Tim 1:9)
Sự lựa chọn chúng ta là kế hoạch đặt trước của Đức Chúa Trời:*

         - Trước khi sáng thế, Ngài đã chọn chúng ta trong Đấng Christ (Êp 1:4).

         Người khác có thể nhận biết và chính mình chúng ta cũng nhận biết:

         - Hỡi anh em được Đức Chúa Trời yêu dấu, chúng tôi biết anh em là kẻ được lựa chọn(ITês 1:4).

         - Vậy anh em là kẻ chọn lựa của Đức Chúa Trời (Col 3:12).

         Và đây là công việc của Đức Chúa Trời:

         - Ấy chẳng phải các ngươi đã chọn ta, bèn là ta đã chọn và lập các ngươi (Giăng 15:16).

         Giáo lý về sự lựa chọn đem lại hai ý kiến tranh biện khác nhau: Sự lựa chọn độc đoán của Đức Chúa Trời hay sự lựa chọn có quyết định của ý chí con người? Nếu sự lựa chọn là độc đoán, mọi sự do Đức Chúa Trời quyết định thì con người không chịu trách nhiệm về sự hư mất của mình. Điều đó không hoàn toàn đúng. Như vậy, vai trò ý chí của chúng ta nằm ở đâu trong sự lựa chọn của Đức Chúa Trời? Về phương diện Đức Chúa Trời, Ngài lựa chọn chúng ta nhưng về phương diện chúng ta là tiếp nhận sự lựa chọn đó. Nếu một người dùng ý chí mình khước từ sự kêu gọi của Chúa, đương nhiên người đó kể như không được Chúa lựa chọn. Nếu một người dùng ý chí và đức tin mình tiếp nhận Chúa (có sự hỗ trợ của Đức Thánh Linh), người ấy kể mình đã được Chúa kêu gọi và lựa chọn. Không ai biết được tại sao Chúa đã kêu gọi và chọn lựa mình trong muôn người giữa thế gian, chỉ biết cảm tạ Chúa vì ân điển của Ngài dành cho mình mà thôi. Và khi chúng ta trở nên dòng giống được lựa chọn thì chúng ta trở nên tinh tuyền, tốt đẹp cho Đức Chúa Trời. Địa vị của chúng ta là dòng giống tốt được lựa chọn giữa các dòng giống khác để Đức Chúa Trời gieo vào ruộng của Ngài.

         2. LÀ CHỨC THẦY TẾ LỄ NHÀ VUA(c.9b):

          Chức tế lễ là chức cao trọng vì người nhận sẽ thay mặt dân sự dâng tế lễ cho Đức Chúa Trời. Nhưng chức tế lễ nhà vua thì càng cao trọng hơn, vì sẽ thay mặt cả vua và toàn dân để dâng tế lễ cho Chúa. Như A-rôn là thầy tế lễ cho dân tộc Y-sơ-ra-ên còn Sa-mu-ên là thầy tế lễ cho vua Sau-lơ và cả dân sự. Tuy nhiên, Chúa muốn mỗi người dân Y-sơ-ra-ên được kêu gọi và chọn lựa để trở nên những thầy tế lễ của Đức Chúa Trời:

         - Các ngươi sẽ thành một nước thầy tế lễ.... (Xuất 19:6a)

         Điều nầy minh họa cho chúng ta, những người tin nhận Chúa Giê-xu trở nên những thầy tế lễ của Đức Chúa Trời:

         - Đấng yêu thương chúng ta, đã lấy huyết mình rửa sạch tội lỗi chúng ta, và làm cho chúng ta nên nước Ngài, nên thầy tế lễ của Đức Chúa Trời (Khải 1:6)

         Và dâng của tế lễ thiêng liêng, không phải bò hay chiên mà là đời sống của mình, sự thờ phượng, dâng hiến, cầu nguyện… lên cho Đức Chúa Trời:

         - Anh em cũng như đá sống, được xây nên nhà thiêng liêng, làm chức tế lễ thánh, đặng dâng của tế lễ thiêng liêng (I Phi 2:5).

         Đây là địa vị hết sức cao trọng, chúng ta không chỉ là tín hữu(người theo đạo) mà là thầy tế lễ của Chúa(người hành đạo) mà Đức Chúa Trời đã tín nhiệm giao cho chúng ta để phục vụ Ngài.

         3. LÀ DÂN THÁNH (c.9c):

         Đức Chúa Trời đã chọn dân Y-sơ-ra-ên làm dân thánh cho Ngài nhưng họ lại sống bất khiết nghịch lại với Đức Chúa Trời thánh khiết và rồi chúng ta là dân ngoại bang được ân điển Chúa kêu gọi, chọn lựa và thánh hóa chúng ta trở nên một dân thánh (Y-sơ-ra-ên thuộc linh) cho Ngài:

         Mạng lịnh của Chúa:

          - Hãy nên thánh, vì ta là thánh. (IPhi 1:16)

         Giá trả của Chúa:*

          - Ấy vì đó mà chính mình Đức Chúa Jêsus đã chịu khổ tại ngoài cửa thành để lấy huyết mình làm cho dân nên thánh (Hêb 3:12).
            Địa vị mà chúng ta có được:

         - …Gởi cho Hội thánh Đức Chúa Trời tại thành Cô-rinh-tô, tức là cho những người đã được nên thánh trong Đức Chúa Jêsus Christ (I Côr 1:2).
         - Phao-lô, theo ý muốn Đức Chúa Trời, làm sứ đồ của Đức Chúa Jêsus Christ, gởi cho các thánh đồ ở thành Ê-phê-sô, cho những kẻ trung tín trong Đức Chúa Jêsus Christ (Êp 1:1).

         Dầu chúng ta vẫn còn mang bản tánh xác thịt, dễ bị cám dỗ và phạm tội nhưng trong địa vị, chúng ta là những người thánh của Đức Chúa Trời. Vậy, hãy sống cho xứng đáng với danh hiệu là dân thánh của Ngài.

         4. LÀ DÂN THUỘC VỀ ĐỨC CHÚA TRỜI(c.9d):

         Là dân được Chúa chuộc mua bằng chính giá huyết của Ngài:

         - Là Đấng liều mình vì chúng ta, để chuộc chúng ta khỏi mọi tội và làm cho sạch, đặng lấy chúng ta làm một dân thuộc riêng về Ngài, là dân có lòng sốt sắng về các việc lành (Tít 2:14).

         - Anh em ngày trước không phải là một dân, mà bây giờ là dân Đức Chúa Trời, trước không được thương xót, mà bây giờ được thương xót (I Phi 2:10).

         Địa vị là công dân trên trời:

         - Nhưng chúng ta là công dân trên trời; ấy là từ nơi đó mà chúng ta trông đợi Cứu Chúa mình là Đức Chúa Jêsus Christ (Phi 3:20).
         - Dường ấy, anh em chẳng phải là người ngoại, cũng chẳng phải là kẻ ở trọ nữa, nhưng là người đồng quốc với các thánh đồ, và là người nhà của Đức Chúa Trời (Êp 2:19).

         Phước hạnh của dân Đức Chúa Trời:

         -Tôi nghe một tiếng lớn từ nơi ngai mà đến, nói rằng: Này, đền tạm của Đức Chúa Trời ở giữa loài người! Ngài sẽ ở với chúng, và chúng sẽ làm dân Ngài; chính Đức Chúa Trời sẽ ở với chúng (Khải 21:3).

         Mỗi người sống trên đời có một quốc tịch và hãnh diện về quốc tịch của mình. Nhưng chúng ta có hai quốc tịch. Quốc tịch thuộc thể dưới đất và quốc tịch thuộc linh trên trời. Đã mang quốc tịch dưới đất thì phải sống làm sao không làm ô danh quốc thể của mình thì cũng vậy, đã mang quốc tịch thuộc linh thì phải sống đời sống làm sáng danh Chúa trên đất và cả trên trời nữa.
 
         II. TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ ĐỐC NHÂN:

          Chúa ban địa vị cao quí cho chúng ta và rồi Ngài trao trách nhiệm cao cả cho chúng ta, tương xứng với địa vị đó. Chúng ta vinh dự được nhận sự ủy thác trách nhiệm từ Chúa:

         1.RAO GIẢNG TÌNH YÊU CỨU RỖI CỦA ĐẤNG  CHRIST (c.9e):

         Trách nhiệm chứng nhân cho Chúa, rao giảng tình yêu của Ngài cho mọi người, một trách nhiệm không được giao cho thiên sứ mà cho những người nhận ơn cứu rỗi (Công 1:8).

         Thầy tế lễ dâng tế lễ bằng môi miệng làm chứng:

         - Vậy, hãy cậy Đức Chúa Jêsus mà hằng dâng tế lễ bằng lời ngợi khen cho Đức Chúa Trời, nghĩa là bông trái của môi miếng xưng danh Ngài ra (Hêb13:15).

         Rao giảng về Chúa không phải về chính mình:

         - Vả, chúng tôi chẳng rao giảng chính mình chúng tôi, nhưng rao giảng Đức Chúa Jêsus Christ, tức là Chúa (II Côr 4:5).
Rao giảng một Đấng Christ yêu thương cũng bao gồm rao giảng về sự cứu chuộc của Ngài qua giá trả là chính mạng báu của Ngài để đem lại sự cứu rỗi cho tội nhân:

         Nhân danh Chúa mà rao giảng:

         - Người ta sẽ nhân danh Ngài mà rao giảng cho dân các nước sự ăn năn để được tha tội, bắt đầu từ thành Giê-ru-sa-lem (Lu-ca 24:47).
Rao giảng về thập tự giá:

         - Thật vậy, Đấng Christ đã sai tôi, chẳng phải để làm phép báp-têm đâu, nhưng để rao giảng Tin lành, và chẳng dùng sự khôn khéo mà giảng, kẻo thập tự giá của Đấng Christ ra vô ích.(I Côr 1:17)

         Bền đỗ rao giảng ơn cứu rỗi:

         - Ngày nào cũng vậy, tại trong đền thờ hoặc từng nhà, sứ đồ cứ dạy dỗ rao truyền mãi về Tin lành của Đức Chúa Jêsus, tức là Đấng Christ (Công 5:42).

         2.RAO GIẢNG QUYỀN NĂNG BIẾN ĐỔI CỦA ĐẤNG CHRIST(c.9f):

         Tin lành của Đấng Christ không chỉ là Tin lành về tình yêu cứu rỗi của Chúa Giê-xu qua thập tự giá mà còn là Tin lành về quyền năng biến đổi diệu kỳ của Ngài. Với Cơ đốc nhân, phép lạ lớn nhất là sự biến đổi cuộc đời khi một người được quyền năng Chúa giải cứu ra khỏi sự tối tăm để bước vào vương quốc sự sáng của sự sống:

         - Ngài đã giải thoát chúng ta khỏi quyền của sự tối tăm, làm cho chúng ta dời qua nước của Con rất yêu dấu Ngài.(Col 1:13).
Bởi sự đổi mới của Thánh Linh:

         - Không phải cứu vì việc công bình chúng ta đã làm, nhưng cứ theo lòng thương xót Ngài, bởi sự rửa về sự lại sanh và sự đổi mới của Đức Thánh Linh. (Tít 3:5)

         Trải nghiệm một đời sống ở trong Chúa Giê-xu:

         - Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới.(IICôr 5:17)
Với một quyết định đầu phục Chúa:

         - Anh em phải bỏ cách ăn nết ở ngày trước, thoát lốt người cũ là người bị hư hỏng bởi tư dục dỗ dành, mà phải làm nên mới trong tâm chí mình, và mặc lấy người mới, tức là người đã được dựng nên giống như Đức Chúa Trời, trong sự công bình và sự thánh sạch của lẽ thật.(Êp 4:22-24)

         Lời chứng của Phao-lô:

         - Nhưng tôi nay là người thể nào, là nhờ ơn Đức Chúa Trời, và ơn Ngài ban cho tôi cũng không phải là uổng vậy. Trái lại, tôi đã làm nhiều việc hơn các người khác, nhưng nào phải tôi, bèn là ơn Đức Chúa Trời đã ở cùng tôi.(I Côr 15:10)
Đới sống chúng ta phải được Chúa biến đổi vì đó là thực chứng của Tin lành. Người được Chúa đổi mới mới có thể là chứng nhân kết quả cho Ngài.*

         Làm đại sứ cho các nước thế gian đã là vinh hiển nhưng làm đại sứ cho Nước Trời vinh hiển bội phần. Hãy là một đại sứ hữu hiệu cho Chúa mà qua đó muôn dân sẽ nhận biết vương quốc vinh quang của Đức Chúa Trời.

         Kết luận:

         Dù ở ngoài xã hội, nhiều khi chúng ta bị khinh chê như Phao-lô đã từng bị khinh chê:

         - Vậy, chúng tôi đã gặp người nầy, như là đồ ôn dịch, đã gây loạn trong hết thảy người Giu-đa trên cả thế giới: Nó làm đầu của phe người Na-xa-rét (Công 24:5).

          Thế nhưng, trong Chúa Giê-xu, những con người được cứu chuộc, được biến đổi trở nên vinh hiển và có một địa vị cao trọng trước mặt Chúa. Đây là đặc ân Chúa dành cho chúng ta, những con người có những yếu đuối và vấp phạm nhưng Ngài vẫn sử dụng chúng ta làm phát ngôn nhân cho Ngài. Đó là mục đích Chúa kêu gọi và chọn lựa chúng ta. Vậy, mỗi người hãy tự xét lấy mình, nhất là những anh chị em sẽ thọ lễ Báp têm hôm nay hãy sống và phấn đấu cho mục đích cao trọng đó. Sự rao giảng Tin lành trở thành lẽ sống của chúng ta, khiến chúng ta ý thức, nổ lực hoàn thành sứ mạng Chúa giao, hầu nhận sự ban thưởng lúc Ngài ngự đến. A-men!

 Cám ơn bạn đã đọc bài của trang web Tin Lành Hà Nội! Hẹn gặp lại bạn đọc vào bài chia sẻ tiếp theo.

MT: CHRISTIANBACK NGUYENNGOCBACH
HT:  TIN LÀNH HÀ NỘI SHALOM




  • Lời nhắn của bạn
  • Lời nhắn qua Facebook

0 comments:

Đăng nhận xét

Item Reviewed: ĐỊA VỊ VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ ĐỐC NHÂN Rating: 5 Reviewed By: Unknown