Chào mừng bạn đến với trang web Tin Lành Hà Nội!
Đạo là con đường. Đạo Tin Lành không phải là một pháo đài gồm chứa những luật lệ cứng ngắc để chúng ta rút lui vào đó cố thủ. Đạo mà Chúa Giêsu khai sáng là một con đường sáng rộng mở thênh thang để chúng ta bước tới, đi đến gặp gỡ Thiên Chúa và anh em. Chúa Giêsu đã nói: “Ta là đường, là lẽ thật và là sự sống” (Giăng 14,6).
HÃY DỌN ĐƯỜNG ĐÓN CHÚA
Mác 1:1
1 Đầu Tin lành của Đức Chúa Jêsus Christ,
là Con Đức Chúa Trời. 2 Như đã chép trong sách
tiên tri Ê-sai rằng:
Nầy, ta sai sứ ta đến trước mặt ngươi,
Người sẽ dọn đường cho ngươi
3 Có tiếng kêu trong đồng vắng rằng:
Hãy dọn đường Chúa,
Ban bằng các nẻo Ngài
Khi thành phố bắt đầu về đêm, dòng người
và xe cộ trở nên thưa thớt, người ta thấy xuất hiện những công nhân cặm cụi đi
ra quét dọn các con đường. Niềm vui của họ là nhìn những con đường sạch
bóng cho ngàn người đi qua. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong một bài hát cũng mượn
những vần thơ diễn tả hình ảnh người phu quét rác: “Người phu quét lá bên đường,
quét cả nắng vàng quét cả chiều thu”. Có một vị chính khách nọ khi ra tranh cử
tổng thống cũng nói với mọi người: “Nếu tôi được bầu chọn làm nguyên thủ quốc
gia, công việc đầu tiên tôi sẽ làm là cho xây dựng những con đường”.
Cũng vậy, Hội Thánh ngày hôm nay mời gọi
chúng ta đóng vai người phu quét lá để dọn con đường trong tâm hồn đón chờ Chúa
đến. Hội Thánh trích mượn lời kêu gọi của Giăng báp-tít để nhắn gửi chúng ta: “Hãy dọn sẵn con đường
cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để người đi. Mọi thung lũng phải lấy cho đầy, mọi núi đồi
phải bạt cho thấp, khúc quanh co phải uốn cho ngay, đường lồi lõm phải san cho
phẳng (Luca
3: 4 )”.
Nhưng dọn đường như thế nào?
Đạo là con đường. Đạo Tin Lành không phải
là một pháo đài gồm chứa những luật lệ cứng ngắc để chúng ta rút lui vào đó cố
thủ. Đạo mà Chúa Giêsu khai sáng là một con đường sáng rộng mở thênh thang để
chúng ta bước tới, đi đến gặp gỡ Thiên Chúa và anh em. Chúa Giêsu đã nói: “Ta là đường, là lẽ thật
và là sự sống” (Giăng 14,6). Cuộc hành trình đức tin của chúng ta cũng chính
là con đường đưa dẫn chúng ta tiến về ánh sáng và sự sống vĩnh cửu. Nhưng con
đường đó nhiều khi ngập đầy bụi bặm và rác rưởi của tội lỗi mà chúng ta cần phải
quét dọn hằng ngày.
Sứ đồ Phaolô trong thư gửi những tín hữu ở
Rôma đã viết “Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Vậy anh em hãy loại bỏ những việc làm
đen tối và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. Chúng ta hãy ăn ở cho
đúng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời
dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương” (Rôma 13: 12 -13). Bóng tối của màn
đêm là hình tượng biểu trưng tội lỗi và sự chết. Vũ khí của sự sáng mà Sứ
Phaolô nhắc bảo chính là sức mạnh Thiên Chúa ban cho những ai được Đức Thánh
Linh hướng dẫn để không sống theo xác thịt. Điều mà Sứ Phaolô nói tới cũng
tương hợp với lời hiệu triệu của sứ đồ Giăng bap-tít mà chúng ta nghe trong bài
Tin mừng hôm nay. Con đường cong queo của những luơn lẹo gian dối phải uốn
cho ngay. Thung Lũng sâu chất chứa những thù hận và cách ngăn phải lấp cho đầy.
Núi cao của tham vọng và ích kỷ phải bạt cho bằng. Muốn sửa lại những con đường
đó, chúng ta phải đi vào hành trình hoán cải nội tâm một cách sâu xa.
Hoán cải và trở về
Có một người đàn ông nọ vô tình đọc thấy một
bản cáo phó trên một trang báo. Người ta nhầm lẫn đưa tin ông vừa mới chết. Ông
xúc động, nhưng bàng hoàng hơn cả vì bản cáo phó xem ông như một kẻ giết người
hàng loạt, vì ông đã chế tạo nhiều vũ khí để sử dụng trong chiến tranh. Bản cáo
phó đã đánh động tâm hồn ông, và ông quyết định chuyển hướng. Thay vì phục vụ
chiến tranh như trước đây, ông bắt đầu dấn thân phục vụ cho hòa bình. Ông
đã hiến dâng toàn bộ tài sản ông sở hữu để cổ vũ cho công lý và hòa bình trên
khắp thế giới. Người đàn ông ấy chính là Alfred Nobel, người đã khai lập giải
Nobel hòa bình để phục vụ cho mục đích này. Đó là một con người đã biết thức tỉnh
và trở về trong sự ăn năn
Hoán cải theo nguyên ngữ Hy lạp chính là trở về, trở về với Chúa và
trở về với anh em. Con thuyền không thể đứng yên một chỗ mà phải tiến tới, nếu
không, con thuyền sẽ bị dòng nước cuốn ngược lại. Vì thế cuộc hành trình trở về
được Hội Thánh nhắc nhở trong mùa giáng sinh như một động thái cần thiết để đón
chờ Chúa đến. Chúng ta không thể trở về với Chúa mà lại không biết cách trở về
làm hòa với nhau. Cũng thế, sự hoán cải mà Giăng báp-tít nói đến, đòi hỏi chúng
ta phải phá đổ bức tường cách ngăn của những thù hận, phải uốn lại cho ngay những
luồn lẹo gian dối trong cách hành xử thường ngày làm phương hại đến người chung
quanh.
Có lẽ chúng ta đều biết bức tranh nổi tiếng
vẽ bữa tiệc ly của danh họa Leonardo da Vinci. Ông tập trung cao độ để phác họa
dung mạo Chúa Giêsu ngồi giữa các học trò trong giờ phút ly biệt đầy thân
thương và quyến luyến. Nhưng cầm cọ lên, ông lại buông xuống vì không thể vẽ nổi.
Nguyên nhân vì chiều hôm trước, ông mới cự cãi kịch liệt với anh hàng xóm bên cạnh
và tâm hồn trở nên bất an. Cuối cùng ông quyết định gác bút, đi làm hòa với người
bạn ấy rồi mới trở về xưởng vẽ. Chúng ta thấy dung mạo Chúa Giêsu trong bức
tranh rất sống động và toát lên một tình yêu vô hạn. Không có bình an trong tâm
hồn, Leonardo da Vinci không tài nào thể hiện được chân dung Đức Giêsu trong bức
họa nổi tiếng ấy. Cũng vậy, chúng ta không thể nào đến với Chúa mà tâm hồn vẫn
còn những rào chắn khổng lồ cách ngăn chúng ta với anh chị em chung quanh mình.
Hình mẫu nơi Giăng báp-tít
Giăng báp-tít là người gác cổng dẫn vào Tin
mừng. Ngài là nhịp cầu nối giữa cựu ước và tân ước. Giăng mời gọi dân chúng ăn
năn để trở về, nhưng ông tự thú ông không phải là đấng Messia, mà chỉ là người
phu quét đường, còn Đức Giêsu mới chính là con đường để chúng ta bước tới. Ông
chỉ là tiếng kêu giữa sa mạc vọng lại lời, còn Đức Giêsu mới chính là ‘Lời’, là
ngôi Lời đã trở thành xác phàm. Vì thế Giăng tóm kết sứ mạng của mình trong câu
châm ngôn ‘Người phải tôn lên còn tôi phải hạ xuốngi. Có Đấng đến sau tôi
nhưng cao trọng hơn tôi. Tôi không đáng cúi xuống xách dép cho Ngài’. Sự khiêm
tốn mà Giăng nêu gương chính là chìa khóa căn bản để chúng ta bày tỏ tâm thức
ăn năn, trở về với Chúa và với nhau. Khiêm tốn nhận ra những giới hạn và bất
toàn nơi mình, chúng ta mới có thể quét sạch rác rưởi trong tâm hồn, dọn đường
cho Chúa đến. Giăng báp-tít đã nêu gương mẫu cho chúng ta về thái độ khiêm tốn
căn bản này.
Kết luận
Trong một cuộc triển lãm, họa sĩ Vangog có
trưng bày một bức tranh tuyệt đẹp với tựa đề ‘Chúa đến’. Ông vẽ Chúa Giêsu đang
đứng gõ cửa trước một căn phòng. Một người bạn đến xem tranh, tấm tắc khen ngợi
tài nghệ của ông, nhưng anh bạn góp ý: “Này Vangog, bức tranh của anh khá hoàn
hảo nhưng còn thiếu xót một chi tiết, có lẽ anh quên không để ý tới. Căn phòng
Chúa đứng gõ cửa còn thiếu một nắm đấm để mở ra”. Vangog trả lời: “ Không phải
thế đâu. Chúa đang đứng gõ cửa căn phòng tâm hồn mỗi người chúng ta. Còn bạn
hay tôi, chúng ta có mở hay không là do chúng ta quyết định. Nắm đấm để mở cửa
phòng nằm ở bên trong, chứ không nằm phía bên ngoài”.
Chúng ta đợi chờ Chúa đến. Ngài đang đến
gõ cửa tâm hồn từng người. Cửa phòng có được mở ra hay không, và Chúa có đi vào
được căn phòng tâm hồn chúng ta hay không, còn tùy nơi cá nhân mỗi người.
0 comments:
Đăng nhận xét